Bài học cơ bản đầu tiên trong môn Cờ Tướng
Quy định về bàn cờ, quân cờ, cách di chuyển trong môn cờ tướng
Từ ngàn xưa, chơi Cờ Tướng đã trở thành món ăn tinh thần đối với người trung tuổi, các bậc lão niên và ngay cả thanh niên, thậm chí trẻ nhỏ, nam nữ, hầu như không ai là không biết trò chơi trí tuệ này. Cũng như môn thể thao khác Cờ Tướng có những quy định chơi từ quy định về bàn cờ, các quân cờ, cách di chuyển đến thắng, thua…
Quy định về bàn cờ và quân cờ
Bàn cờ tướng là một hình chữ nhật do 9 đường dọc và 10 đường ngang cắt nhau vuông góc tại 90 điểm hợp thành.
Một khoảng trống gọi là sông nằm ngang giữa bàn cờ, chia bàn cờ thành hai phần đối xứng bằng nhau. Mỗi bên có một cung Tướng hình vuông (Cửu cung) do 4 ô hợp thành tại các đường dọc 4, 5, 6 kể từ đường ngang cuối của mỗi bên, trong 4 ô này có vẽ hai đường chéo xuyên qua.
Theo quy ước, khi bàn cờ được quan sát chính diện, phía dưới sẽ là quân Trắng (hoặc Đỏ), phía trên sẽ là quân Đen (hoặc Xanh lục). Các đường dọc bên Trắng (Đỏ) được đánh số từ 1 đến 9 từ phải qua trái. Các đường dọc bên Đen (Xanh lục) được đánh số từ 9 tới 1 từ phải qua trái.
Cờ tướng gồm 32 quân, chia đều cho mỗi bên gồm 16 quân Trắng (Đỏ) và 16 quân Đen (Xanh lục), gồm bảy loại quân đó là tướng (1), sĩ (2), tượng (2), xe (2), pháo (2), mã (2), tốt (5).
Quy định về các bước đi của từng quân cờ
Tướng: Chỉ được đi ngang hay đi dọc từng bước một trong phạm vi cung tướng.Tính theo khả năng chiến đấu thì Tướng là quân yếu nhất do chỉ đi nước một và bị giới hạn trong cung. Tuy nhiên trong nhiều tình huống, đặc biệt khi cờ tàn đòn "lộ mặt tướng" (lại tỏ ra rất mạnh. Lúc này Tướng mạnh ngang với Xe.
Sĩ: Có vai trò "hộ giá" cho Tướng. Chúng đứng ngay sát cạnh Tướng, chỉ đi từng bước một và đi theo đường chéo trong Cửu cung. Như vậy, chúng chỉ di chuyển và đứng tại 5 điểm và được coi là quân cờ yếu nhất.
Sĩ có chức năng trong việc bảo vệ Tướng, mất Sĩ được cho là nguy hiểm khi đối phương còn đủ 2 Xe hoặc dùng Xe Mã Tốt tấn công. Bỏ Pháo ăn Sĩ rồi dùng 2 Xe tấn công là đòn chiến thuật thường thấy. Khi còn Pháo thì phải chú ý giữ Sĩ để làm ngòi cho Pháo tấn công
Tượng: Đứng bên cạnh quân Sĩ, quân này đi theo đường chéo của hình vuông gồm 2 ô cờ. Chúng không được qua sông, chúng có nhiệm vụ ở lại bên này sông để bảo vệ vua. Chỉ có 7 điểm mà Tượng có thể di chuyển tới và đứng ở đó.
Tượng sẽ không di chuyển được đến vị trí đã nêu nếu có 1 quân đặt tại vị trí giữa của hình vuông 2 ô. Khi đó ta gọi là Tượng bị cản và vị trí cản được gọi là "mắt Tượng". Nói chung mất Tượng cờ dễ nguy khi đối phương có Pháo.
Xe: Quân Xe đi và ăn theo một đường thẳng đứng hoặc ngang. Xe được coi là quân cờ mạnh nhất, kiêm cả công lẫn thủ (đơn xe sát vạn). Giá trị của Xe thường tính là bằng 2 pháo hoặc pháo mã.
Lưu ý: Khai cuộc thường tranh đưa các quân Xe ra các đường dọc thông thoáng, dễ phòng thủ và tấn công.
Pháo: Quân Pháo đi giống quân Xe, theo chiều thẳng đứng hoặc ngang, nhưng nếu ăn quân thì phải có 1 quân đứng làm "ngòi" (kể cả của mình hay của đối phương).
Trên thực tế có tới 70% khai cuộc là dùng Pháo đưa vào giữa dọa bắt tốt đầu của đối phương, gọi là thế Pháo đầu. Đối phương có thể dùng Pháo đối lại cũng vào giữa. Kéo Pháo cùng bên gọi là trận Thuận Pháo, kéo Pháo vào ngược bên nhau gọi là trận Nghịch Pháo (hay Liệt Pháo).
Mã: Quân Mã trong cờ tướng đi theo hình chữ L 2x1, với bước đi thẳng sau đó đi một bước chéo. Nếu khi đi thẳng có 1 ô ở vị trí đó thì Mã không đi được, gọi là Mã bị cản.
Mã do không đi thẳng, lại có thể bị cản nên mức độ cơ động của quân này kém hơn Xe và Pháo. Thông thường khi khai cuộc, Mã kém hơn Pháo do bị cản nhiều. Khi tàn cuộc, Mã trở nên mạnh hơn Pháo do dễ đi hơn và Pháo thì ít ngòi hơn.
Tốt: Tốt đi thẳng và ăn thẳng theo chiều dọc khi ở bên phần đất của bên mình. Khi Tốt qua được sông, chúng có thể đi và ăn theo chiều ngang. Hai tốt qua sông đứng cạnh nhau gọi là tốt huynh đệ và có sức mạnh cỡ một quân pháo hoặc mã.
Trong khai cuộc, việc thí tốt là chuyện tương đối phổ biến. Ngoại trừ việc phải bảo vệ tốt ở giữa (còn gọi là tốt đầu), các quân tốt khác thường xuyên bị xe pháo mã ăn mất. Việc mất mát một vài Tốt ngay từ đầu cũng được xem như việc thí quân trong cờ tướng.
Đến khi cờ tàn, giá trị của quân tốt tăng nhanh và số lượng tốt khi đó có thể đem lại thắng lợi hoặc chỉ hòa cờ. Khi đó việc đưa được tốt qua sông và tới gần cung tướng của đối phương trở nên rất quan trọng. Tốt khi đến hàng sát cuối, ép sát cung tướng được coi là mạnh như Xe, tuy nhiên khi sang sông Tốt chỉ được tiến, không được lùi.
Suckhoecuocsong.com.vn sưu tầm