Việt Nam cho phép mang thai hộ từ năm 2015
Luật hôn nhân gia đình Việt Nam sửa đổi 2014 cho phép mang thai hộ là việc làm nhân đạo, giúp các đôi vợ chồng vô sinh, hiếm muộn có cơ hội có con.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến chia sẻ: “Khi xét hồ sơ đề nghị của các gia đình mong muốn sinh con bằng phương pháp khoa học tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư, chúng tôi thấy có những hồ sơ rất thống thiết, gia đình khao khát có một đứa con nhưng người mẹ có bệnh lý không thể mang thai được.
Từ thực tế đó, khi Bộ Tư pháp xây dựng dự thảo Luật hôn nhân gia đình sửa đổi, chúng tôi đã đề xuất nên cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và các bộ ngành đều đồng tình với đề xuất này”.
Nhu cầu thực tế về việc mang thai hộ tại Việt Nam
Bên cạnh các gia đình đồng tính thì hiện có một số lượng không nhỏ các gia đình hiếm muộn do người mẹ có bệnh lý không thể mang thai và rất mong muốn có con đẻ của mình.
Năm 2015, pháp luật Việt Nam cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Có những người mẹ không thể mang thai được do lần sinh trước họ bị chảy máu và đã bị cắt tử cung, nhưng vẫn có trứng và có nhu cầu sinh con.
Có những người có bệnh lý ở tử cung và không thể mang thai, kể cả đã được hỗ trợ sinh sản. Có người cứ mang thai là bị rối loạn đông máu... Những người này khao khát có con ruột thật sự nhưng nếu cấm mang thai hộ thì họ không bao giờ có cơ hội.
Việc mang thai hộ sẽ thực hiện thế nào
Dự thảo hướng dẫn thực hiện việc mang thai hộ theo Luật hôn nhân gia đình sửa đổi đã hoàn tất. Dự kiến quy định có thể được đưa vào áp dụng từ năm 2015.
Qua đó, Việt Nam sẽ có 3 cơ sở y tế để thực hiện việc mang thai hộ là Bệnh viện Phụ sản T.Ư ở miền Bắc, Bệnh viện T.Ư Huế ở miền Trung và Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ ở miền Nam được phép hỗ trợ các gia đình cần nhờ người mang thai hộ.
Về kỹ thuật, mang thai hộ là hình thức nhờ bệnh viện lấy trứng của mẹ (hoặc của người hiến tặng trứng) và tinh trùng của người cha để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó chuyển phôi cho một phụ nữ khác nhờ mang thai hộ.
Người mang thai hộ sẽ là chị em mang thai giúp nhau (chị em ruột, chị em họ) trong đó chị em ruột mang thai giúp là tốt nhất, tiếp theo là các chị em trong họ hàng bên nội bên ngoại. Luật Bảo hiểm xã hội cũng quy định người mang thai hộ sẽ được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội như mẹ ruột của đứa trẻ (2 bà mẹ đều được hưởng chế độ bảo hiểm thai sản như nhau).
Luật hôn nhân gia đình Việt Nam sửa đổi 2014 cho phép mang thai hộ là việc làm nhân đạo, tạo một bước phát triển mới giúp các đôi vợ chồng vô sinh, hiếm muộn có cơ hội có con đẻ của mình. Qua đó, góp phần giữ gìn hạnh phúc, tình cảm gia đình và gắn kết mật thiết với xã hội.
Hải Yến - Skcs.vn