Vì sao trẻ lười học?

03/02/2015 16:50

Chúng ta cần phải nhìn nhận vấn đề này ở trẻ một cách đầy đủ và cụ thể hơn, bởi có rất nhiều đứa trẻ thông minh nhưng lại vẫn lười học.

Nguyên nhân khiến trẻ lười học

 

Cần nhìn nhận tình trạng trẻ lười học một cách đầy đủ và cụ thể hơn.

Trẻ lười học là do việc học có yếu tố khiến chúng không cảm thấy thích hoặc chán ngán, lo sợ. Nếu trẻ không thích học thì chứng tỏ việc học đối với chúng là điều nặng nhọc, không hứng thú hoặc chúng không thấy rõ sự cần thiết, ích lợi. Ngược lại, trẻ ham chơi vì trong trò chơi có nhiều điều hấp dẫn, đáp ứng được nhu cầu hoạt động mạnh mẽ cũng như sự tò mò và khơi lên niềm vui trong chúng.

Cụ thể, các nguyên nhân khiến trẻ lười học có thể là:

-  Bố mẹ chăm con quá kỹ khiến con ỷ lại, đồng thời thói quen vừa học vừa chơi hoặc vừa ăn vừa chơi cũng làm trẻ xao lãng, chểnh mảng trong bất kỳ mọi việc chứ không riêng gì học.

-  Cho con học trước chương trình, cha mẹ kỳ vọng con sẽ thông minh và biết trước mọi kiến thức để có thời gian làm bài nâng cao. Chính điều này là con dao hai lưỡi, đã không giúp trẻ học tốt hơn mà còn khiến trẻ bị lạc lõng với chương trình học bình thường, không coi trọng giờ học và trở nên lười nhác…

-  Trẻ quá hiếu động, mải chơi nên bỏ bê học hành và ngược lại, trẻ có bản tính chậm chạp, chép bài không kịp nên cũng sinh ra tâm lý: muốn đến đâu thì đến, mặc kệ chuyện học hành.

-  Cũng có thể nguyên nhân làm trẻ chán học là do cách giảng dạy của thầy cô không hấp dẫn hoặc bạn bè trong lớp có nảy sinh mâu thuẫn, khiến trẻ không có hứng thú với chuyện bài vở.

 

Không tìm thấy sự hứng thú trong học tập là nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ lười học, thậm chí sợ học.

Muốn biết được đúng nguyên nhân, cha mẹ nên kiên nhẫn “làm bạn với con”. Hãy bình tĩnh cùng con tìm ra nguyên nhân để cùng giải quyết, nếu bạn quát tháo hoặc đánh mắng, con sẽ càng làm mọi việc trở nên tồi tệ hơn.

Giải quyết thế nào?

Chúng ta thấy có nhiều đứa trẻ đi học với vẻ mặt buồn sầu, nước mắt giàn giụa, vừa đi vừa quay mặt về nhà như để cầu cứu, thậm chí nhiều trẻ khác mỗi lần đi học là một lần phải ăn đòn. Với tâm trạng đó, trẻ sẽ học ra sao? Bước đầu trên con đường học vấn của trẻ là rất quan trọng. Chính vì vậy, cha mẹ nên có bước chuẩn bị thật tốt cho trẻ đến trường để giúp trẻ nếu chưa thấy hứng thú thì cũng không thấy có quá nhiều khó khăn mà chán nản.

Sau khi tìm hiểu rõ nguyên nhân khiến con lười học, sợ học, cha mẹ nên nói chuyện với con với thái độ bình tĩnh, ôn hòa nhất có thể; đừng coi con còn quá bé không biết nói chuyện.

Nên nói chuyện với con bằng thái độ bình tĩnh và ôn hòa nhất có thể.

-  Hãy giúp bé xác định tầm quan trọng của việc học đối với con người. Hãy kể cho con nghe những điển hình học tốt và những thành công của họ cũng như nêu tên những nhân vật không học đến nơi đến chốn, cuối cùng phải gánh chịu hậu quả như thế nào… Hãy cho con thấy, nếu con học chăm, học giỏi sẽ được những lợi ích gì từ việc ở lớp được các bạn khâm phục, được cô giáo yêu mến, ở nhà bố mẹ sẽ vui hơn… để khuyến khích con tự giác học.

 -  Dành thời gian buổi tối để tham gia việc học cùng con như soạn sách vở, kiểm tra lại bài cũ, xem con đã làm hết những bài cô giao chưa hoặc chỉ đơn giản là trò chuyện với con về tình hình ở lớp xem mối quan hệ giữa con với thầy cô và bạn bè như thế nào.

 -  Cha mẹ cần theo dõi thời khóa biểu ở lớp của con để lập một thời gian biểu cho con, giúp con chủ động trong việc học tập. Đừng ép buộc trẻ học quá nhiều và quá muộn. Hãy để chúng được cân bằng giữa việc học và nghỉ ngơi, như vậy, chúng sẽ hứng thú với việc học hơn là bị ép buộc.

-  Khuyến khích, động viên trẻ tự giác học tập, nên khen và động viên trẻ đúng lúc, có thể là bằng những phần thưởng mà con thích. Dạy trẻ rất cần sự nghiêm khắc nhưng cũng không nên nạt nộ, đánh mắng khiến trẻ mất tâm lý trở nên sợ học.

-  Khi con bị điểm kém, bố mẹ cũng không nên đánh mắng hoặc so sánh chúng với những đứa trẻ khác. Điều này sẽ khiến chúng trở nên tự ti, chán nản và buông xuôi việc học tập. Hãy cùng con tìm ra lỗi sai vì sao bị điểm kém để lần sau khắc phục.

-  Cha mẹ cũng nên cùng giáo viên chủ nhiệm kết hợp chặt chẽ để biết được thông tin trên lớp học của con mỗi ngày để nếu có vấn đề gì sẽ có thể điều chỉnh cho phù hợp. Từ đó, tạo lập thói quen tốt trong học tập giúp trẻ dần đi vào nề nếp và có kết quả học tập như mong muốn của thầy cô cũng như cha mẹ.

Tìm ra nguyên nhân và có cách khắc phục hợp lý sẽ giúp trẻ bước đầu tìm thấy hứng khởi trong học tập.

Tóm lại, trẻ lười học không phải do bản chất mà chính do phương pháp dạy dỗ cũng như điều kiện học tập chứa nhiều yếu tố không phù hợp khiến trẻ sợ học và nảy sinh chứng lười học ngay từ ban đầu. Vì vậy, cha mẹ cần thật sự quan tâm một cách hợp lý để trẻ không sợ học và có hứng thú hơn trong học tập.

An Nguyên - Suckhoecuocsong.com.vn

Các tin khác

Học sinh lưu ý những mốc thời gian kế hoạch năm học 2019-2020 đã điều chỉnh

Bộ GD&ĐT sửa đổi mốc thời gian quan trọng năm học 2019-2020, học sinh cần nắm rõ

Lịch học học cả nước tiếp tục điều chỉnh do dịch Covid-19

Dịch Covid-19, Bộ GD&ĐT tiếp tục điều chỉnh khung thời gian kết thúc năm học 2019-2020

Dịch Covid-19, 150 trường tư thục kêu cứu vì cạn kiệt tài chính, có nguy cơ phá sản

Phòng học chiếu sáng đạt chuẩn phải đáp ứng tiêu chuẩn nào?

Bài văn tả bố được cô giáo chấm 9,5 điểm gây sốt mạng xã hội

Bộ giáo dục quyết định giảm 33% tổng chỉ tiêu đào tạo sư phạm trên cả nước

Phương pháp mới: Dùng người máy giúp học sinh ôn thi đại học

Top 10 ĐH đào tạo ngành khoa học máy tính tốt nhất thế giới