'Toni Erdmann': Tuyệt phẩm hài màn bạc Đức về tình cha con
Tác phẩm về tình cha con trong xã hội đương đại đậm chất hài hước, nhất là cảnh tiệc nude đầy tiếng cười mà không gợi dục.
Sau thành công của Everyone Else (2009), nhà làm phim Maren Ade xa rời màn ảnh rộng đến sáu năm trước khi trở lại viết kịch bản và đạo diễn phim Toni Erdmann.
Với thời lượng lên đến 162 phút, tác phẩm mới có nhịp điệu chậm rãi khác hẳn các phim cùng chủ đề của Hollywood. Nhân vật Winfried Conradi (Peter Simonischek đóng) là một giáo viên âm nhạc lớn tuổi, sống cô độc. Ông có sở thích kỳ quặc là hóa trang làm người khác, thường với một bộ tóc giả và hàm răng giả xấu xí. Sau cái chết của chú chó cưng, Winfried tìm đến Bucharest (thủ đô Romania) để nối lại tình cảm với cô con gái Ines (Sandra Hüller đóng). Người cha tự đặt cho mình cái tên mới là Toni Erdmann. Ông cũng tự tạo cho mình vẻ ngoài đầy chất đùa cợt và bám theo con khắp nơi khiến mọi chuyện rối tung.
Đằng sau những tình huống hài hước, Toni Erdmann thật ra là câu chuyện nội tâm về sự chia cắt tình cảm gia đình. Khi chạm mặt cha - lúc này đóng giả là người đàn ông ăn mặc lôi thôi, cô con gái Ines hoàn toàn làm lơ ông vì cô đang đi với khách hàng. Sau đó, hai cha con có cuộc đoàn tụ nhưng chưa thể thoải mái với nhau. Những va chạm về tính cách giữa ông Winfried và con gái tạo nên mối quan hệ đầy xung khắc trong phim. Người cha ưa chọc phá và có nhiều hành động thô lỗ, trong khi cô con gái - từng rất thân thiết với cha - giờ đây là một nữ cố vấn thành đạt và nghiêm túc.
Môi trường làm việc nhiều sức ép khiến Ines có lối sống gần như khắc kỷ - đề cao sự kiềm chế bản thân. Biểu cảm của nhân vật thể hiện sự ức chế ngầm của người phụ nữ luôn phải nhún nhường giữa một tập thể toàn đàn ông. Cô đáp trả những trò đùa của cha mình bằng cách giả vờ như không biết ông và tiếp tục cuộc sống thường ngày. Càng cố đẩy cha ra để chứng tỏ sự độc lập, Ines càng tự gắn mình vào một thế giới chán nản của công việc, của sự ngượng ngùng trong xã giao, ma túy và những lần quan hệ tình dục vô nghĩa.
Poster phim "Toni Erdmann".
Phim Toni Erdmann còn mang thông điệp về sự cạnh tranh của văn hóa công sở đương đại. Ở góc độ nào đó, Ines cũng là một “kẻ giả trang” giống cha mình. Điểm khác biệt là cha cô giả trang để vượt thoát khỏi quy chuẩn của xã hội, còn Ines lại làm vậy để bó buộc mình vào đó. Cô dựng lên một lớp mặt nạ trong cách cư xử, chiều lòng cấp trên và kiểm soát những kẻ dưới quyền. Một phụ nữ tưởng chừng như rất độc lập và mạnh mẽ nhưng thật ra lại luôn mệt mỏi và căng cứng trước áp lực. Cũng là nữ giới, đạo diễn/biên kịch Maren Ade có sự nhạy cảm và tinh tế khi mô tả nỗi cô đơn của những phụ nữ thành đạt. Từng chi tiết nhỏ được nhà làm phim khéo léo đưa vào như cách thoại ngập ngừng của Ines, hay ánh mắt lạc lõng của cô trong buổi tiệc - đều phản ánh tinh thần chung của nhân vật.
Với tình cảm của một người cha, Winfried hiểu thấu được con mình. Trong quá trình hàn gắn, ông dần gỡ bỏ lớp vỏ bọc mà Ines dựng lên trước xã hội. Sự ức chế của cô gái được dồn nén và nổ tung trong hai cảnh quay. Đầu tiên, bài hát Greatest Love of All được cô dùng để giãi bày tình cảm với cha. Sau đó, vỏ bọc của Ines được đánh sập hoàn toàn trong cảnh cô khỏa thân đón tiệc sinh nhật cùng các đồng nghiệp. Trích đoạn không chỉ gây cười mà còn lột tả tâm lý nhân vật. Khi Ines không thể kéo khóa váy, cô quyết định lột hẳn nó ra. Chi tiết ẩn dụ về sự đầu hàng của cá nhân trước sức ép xã hội, để tìm về bản năng nguyên thủy.
Tác phẩm có cảnh tiệc khỏa thân hài hước.
Thành công của Toni Erdmann cũng đến từ diễn xuất tuyệt vời của bộ đôi Peter Simonischek - Sandra Hüller. Theo Los Angles Times, nữ đạo diễn Ade chọn hai diễn viên có nền tảng kịch nghệ để có thể ứng biến tốt trong các tình huống. Trước khi quay, họ diễn tập suốt một năm trời và thỉnh thoảng còn đóng giả nhân vật của mình trước công chúng trên đường phố. Kết quả là bộ đôi đạt được sự tương tác gần như hoàn hảo trên màn ảnh.
Lúc đầu, Peter Simonischek nổi bật nhờ sự quái dị, nhưng càng về sau Hüller càng gây ấn tượng với sự kiềm nén cảm xúc của một phụ nữ hướng nội. Trích đoạn hai cha con đứng chờ thang máy nổi bật trong toàn tác phẩm với sự im lặng đáng sợ và nét mặt ngượng ngùng giữa hai nhân vật. Trên thực tế, tình huống diễn ra ngẫu nhiên khi chiếc thang máy đạo cụ đến chậm hơn dự tính. Cảm xúc của bộ đôi diễn viên chính được sáng tạo hoàn toàn ngẫu hứng tại hiện trường.
Phim phản ánh sự cô đơn giữa xã hội hiện đại.
Ra mắt tại Liên hoan phim Cannes, Toni Erdmann được giới phê bình đồng loạt khen ngợi. Trong lễ trao giải của Viện hàn lâm châu Âu (EFA) tháng 12 vừa qua, tác phẩm thắng năm hạng mục cho phim, đạo diễn, nam diễn viên chính, nữ diễn viên chính và kịch bản. Qua đó, Maren Ade cũng trở thành nữ đạo diễn đầu tiên có phim chiến thắng ở giải này. Tác phẩm vừa lọt vào danh sách rút gọn chín phim ở hạng mục "Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc" của Oscar 2017. Toni Erdmann sẽ tranh tài với nhiều đối thủ nặng ký khác như It’s Only the End of the World của Canada hay The Salesman của Iran.
Suckhoecuocsong.com.vn (Nguồn vnexpress)