Tịch thu xe khi say: Nộp phạt tương đương giá trị xe nếu đi mượn
Tịch thu xe của người vi phạm là giải pháp có thể giảm ngay vấn nạn lái xe say xỉn gây tai nạn giao thông.
Ông cũng đồng thời nhấn mạnh việc tịch thu xe của người vi phạm là giải pháp có thể giảm ngay vấn nạn lái xe say xỉn gây tai nạn giao thông. Theo đó, việc tịch thu xe vi phạm này là hướng trực tiếp đến những người điều khiển xe, chứ không phải những người sở hữu xe vi phạm.
Say rượu lái xe đi mượn? Nộp phạt bằng giá trị xe
Cụ thể, với những người điều khiển xe chính chủ phạm luật thì sẽ bị tịch thu, những người mượn xe hoặc thuê xe nếu vi phạm thì phải chịu nộp phạt số tiền tương đương với giá trị của xe. Khi nộp phạt xong, chiếc xe sẽ được trao trả về cho chủ sở hữu. Do đó, những lo ngại của chủ xe khi cho mượn hoặc cho thuê sẽ bị mất trắng là không đúng, việc này sẽ hoàn toàn do người điều khiển xe chịu trách nhiệm.
Thực tế trong điểm 1 điều 126 Luật xử lý vi phạm hành chính cũng có quy định rõ: Đối với tang vật, phương tiện đang bị tạm giữ do bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu thì trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp.
Ông Khuất Việt Hùng: tịch thu xe nhắm vào người điều khiển xe, không phải chủ phương tiện
Trong trường hợp này, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm vào ngân sách nhà nước. Trường hợp chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp có lỗi cố ý trong việc để người vi phạm sử dụng tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 26 của Luật này thì tang vật, phương tiện đó bị tịch thu sung vào ngân sách nhà nước.
Trước câu hỏi rất nhiều gia đình có chung một xe để đi lại hoặc mưu sinh, việc tịch thu phương tiện sẽ gây khó khăn cho không chỉ một người vi phạm, điều này có hợp lý? Ông Khuất Việt Hùng cho rằng, người điều khiển phương tiện phải ý thức được giá trị của chiếc xe và càng phải có trách nhiệm, không vi phạm các quy định để bảo vệ lợi ích gia đình. Bảo vệ tính mạng, sức khỏe của mình cũng là bảo vệ cuộc sống gia đình mình.
Trả lời câu hỏi trong trường hợp người mượn xe không có khả năng nộp phạt để lấy xe ra cho chủ sở hữu thì xử lý thế nào?
TS Khuất Việt Hùng cho biết, trong trường hợp người vi phạm dùng xe đi mượn không có đủ tiền nộp phạt để lấy lại xe trả cho chủ sở hữu thì Nhà nước sẽ có phương án giải quyết cụ thể.
TS Khuất Việt Hùng nhận định, qua thông tin báo chí, Ủy ban ATGT Quốc gia nhận thấy phần lớn mọi người đồng tình song cũng có ý kiến thắc mắc về mức phạt. Mục đích của chúng ta đưa ra chế tài đó không phải chỉ để xử phạt người dân mà là biện pháp giáo dục, răn đe cao. Việc đề xuất tịch thu xe của những lái xe có "hơi men" là một thông điệp mạnh.
Ý kiến trái chiều
Trước đây chúng ta mới chỉ đưa những thông điệp như "Uống bia rượu thì không lái xe", "lái xe uống rượu bia là phạm luật... nhưng hiệu quả không thấy rõ.
Việc đưa ra thông điệp mạnh như vậy tác động trực tiếp đến từng người dân và qua đó họ sẽ điều chỉnh hành vi của mình, ông Hùng bày tỏ mong muốn.
Trước đó, sau khi đề xuất tịch thu phương tiện của người lái xe khi say được công bố đã có không ít ý kiến dư luận phản đối việc áp dụng phương án giải quyết này. Theo đó, pháp luật là cái đúng đắn để áp dụng vào thực tiễn chứ không phải là “ngáo ộp” để hù dọa.
Pháp luật phải công bằng, đúng đắn, nghiêm minh.
Có những ý kiến cho rằng hình phạt cần phải thật nghiêm khắc để dân “sợ” mà không dám vi phạm. Điều này cũng không đúng vì theo lý thuyết, hình phạt không phải càng nghiêm khắc càng tốt mà yêu cầu đúng đắn là: hình phạt cần chính đáng, nghiêm minh nhưng không được hà khắc. Người dân chỉ tuân thủ pháp luật một cách thành tâm nếu họ cảm thấy pháp luật thể hiện sự công bằng và những giá trị đúng đắn.
Trên thế giới, chỉ có Scotland áp dụng biện pháp tịch thu phương tiện đối với người uống rượu lái xe nhưng có một số ngoại lệ (chẳng hạn xe không chính chủ) nhưng Liên hiệp Anh cũng rất lo ngại về tính chính đáng và hợp pháp việc tịch thu xe ở Scotland.
Các giải pháp thay thế
Như kinh nghiệm của Anh và Australia, bên cạnh phạt tiền, tước giấy phép nghiêm khắc, phạt tù (một vài tháng) có thể được áp dụng. Rõ ràng phạt tù có tính răn đe rất cao, còn hơn cả tịch thu phương tiện. Sở dĩ Việt Nam chưa thể áp dụng hình phạt tù cho uống rượu lái xe vì hành vi này chỉ được coi là vi phạm hành chính mà không phải là tội phạm, theo đó không áp dụng phạt tù. Vậy nên, thay vì đề xuất tịch thu phương tiện, ta hoàn toàn có thể thực hiện một giải pháp căn cơ hơn bằng cách coi hành vi uống rượu lái xe là tội phạm và đưa nó vào Bộ luật Hình sự. Khi đó, thay vì các cơ quan hành chính (cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông), thẩm quyền xét xử và áp dụng hình phạt thuộc về tòa án.
Quang Phong - Skcs.vn (tổng hợp)