Thực hư việc lạm thu ở trường tiểu học Lê Lợi Hải Phòng

08/09/2015 17:11

Việc thu các loại quỹ tại trường tiểu học Lê Lợi đã thỏa đáng hay chưa? còn chỗ nào chưa đúng với quy định hay không? Câu trả lời đang chờ câu trả lời từ các cấp có thẩm quyền.

Năm học mới đã bắt đầu, tuy nhiên những phản ảnh liên quan đến việc lạm thu như tăng tiền đóng bảo hiểm y tế của học sinh, tiền xã hội hóa, quỹ học sinh và nhiều khoản thu khác đã khiến cho các vị phụ huynh “ đau đầu”. Đặc biệt, thông tin lạm thu ở trường tiểu học Lê Lợi Hải Phòng với các mức phí phải nộp 400.000 đồng cho tiền xã hội hóa, quỹ hội 230.000 đồng, học sinh lớp 1 phải nộp thêm 1 triệu đồng… và nhiều khoản khác mà không có phiếu thu đã khiến cho dư luận bức xúc…


Đâu là khoản thu theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT


Theo phản ánh của phụ huynh, năm học 2014 – 2015, nhà trường thu tiền xã hội hóa bình quân cho học sinh toàn trường là 400.000đồng/HS. Từ nhiều năm nay, cứ các cháu chuẩn bị vào học lớp 1 là nhà trường đều thu 1 triệu đồng/HS, nhà trường nói là thu tiền bàn ghế.


Năm học 2015 – 2016 nhà trường cũng đã thu 1triệu đồng/HS vừa vào học lớp 1. Nhà trường dùng tiền quỹ hội cha mẹ học sinh để chi cho việc ma chay, ốm đau của giáo viên trong trường. HS học buổi chiều nhà trường thu 200.000đ/HS cho năm học trước, năm học này nhà trường thu 230.000đ/HS…


Tất cả các khoản thu đó theo phụ huynh phản ánh là không hề có phiếu thu, mà phụ huynh chỉ kí vào một quyển sổ của giáo viên chủ nhiệm lớp. Do vậy mà họ không biết nhà trường sử dụng các khoản đó có phục vụ cho việc học tập của con em họ hay không, hay là nhà trường dùng vào mục đích gì khác?
 


Bảng dự toán thu chi quỹ xã hội hóa có dấu đỏ của trường


Theo CV số 886/SGDĐT – KHTC về việc thực hiện các khoản thu trong trường học năm học 2015 – 2016 của Sở GD và ĐT thành phố Hải Phòng ngày 21/8/2015: Đối với những khoản thu để mua sắm phục vụ trực tiếp cho HS học tập, sinh hoạt như áo quần đồng phục, quần áo thể dục thể thao, phù hiệu học sinh, vở học tập mang tên trường,… các cơ sở giáo dục cần thống nhất chủ trương, kiểu mẫu với phụ huynh học sinh, phụ huynh học sinh tự lựa chọn và quyết định hình thức tổ chức thực hiện thích hợp; Đối với những khoản đóng góp được thỏa thuận giữa nhà trường và cha mẹ học sinh để thực hiện một số nhiệm vụ thay cha mẹ học sinh trong công tác nuôi, dạy học sinh như: Tiền ăn, tiền chăm sóc bán trú, trang thiết bị phục vụ bán trú, học phẩm, nước uống,… yêu cầu nhà trường phải thỏa thuận với phụ huynh học sinh về chủ trương, công khai mức thu, nội dung chi đảm bảo nguyên tắc thu đủ bù chi và phù hợp với thu nhập bình quân của người dân theo địa bàn;


 Mức thu phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ HS do cuộc họp đầu năm học của cha mẹ học sinh quyết định, không sử dụng để hỗ trợ các hoạt động dạy học và giáo dục, khen thưởng cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường.


Việc chi tiêu phải được lập kế hoạch và được thông qua trong cuộc họp cha mẹ học sinh đầu năm học và công khai kết quả sử dụng tại cuộc họp cuối học kì, cuối năm học; Trong điều kiện ngân sách nhà nước chưa đáp ứng được hết các nhu cầu nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học của các trường, một trong những giải pháp để tăng nguồn lực cho các hoạt động, các trường thực hiện xã hội hóa huy động nguồn đóng góp của tổ chức, cá nhân và phụ huynh học sinh.


Giải pháp này chỉ được thực hiện có ý nghĩa khi được ủng hộ, nhất trí trên tinh thần tự nguyện của các đối tượng tham gia đóng góp. Bất kì hình thức ép buộc nào hay bình quân hóa mức đóng góp đối phụ huynh học sinh là vi phạm pháp luật.


Ý kiến của lãnh đạo nhà trường


Ngày 31/8/2015, trao đổi với PV, bà Phạm Thị Dung – Hiệu trưởng nhà trường khẳng định các khoản thu nhà trường đều thực hiện theo đúng quy trình:“đầu tháng 7 họp cấp ủy chi bộ, họp chi bộ thống nhất chủ trương định làm gì trong năm, họp hội đồng tất cả nhà trường, triển khai họp cha mẹ học sinh, họp ban đại diện, trình UBND xã, xã trình HĐND, ra quyết định được XHH cái gì”.


“Động viên những học sinh lớp 1 khi mới vào nên có sự đóng góp nhiều hơn các lớp khác, với xã Lê Lợi thì cố gắng vận động phụ huynh nhất trí là 1triệu/HS với lý do là bàn, ghế, tủ, bảng. Dù năm nay lớp này có rồi lớp kia thiếu thì mua bổ sung, thì lớp khác không phải đóng...”. Vấn đề này chưa hề có trong biên bản họp đại diện cha mẹ học sinh vào hồi 14h ngày 03/8/2015. Thậm chí cả biên bản họp phụ huynh lớp 1A vào hồi 8h ngày 03/8/2015 cũng không có sự thỏa thuận “tự nguyện” nộp 1 triệu đồng/HS.
 


Hiệu trưởng trường tiểu học Lê Lợi giải trình các khoản thu 


Trao đổi với PV về phiếu thu các khoản, bà Dung cho biết: “Phiếu thu bên tài vụ, năm nay vừa bắt đầu thu, kế toán lại đang nghỉ thai sản...các lớp nộp tiền ký vào sổ thì có, còn phiếu thu thường xong mới viết phiếu thu… Kế toán mấy hôm nay mới mổ đẻ nên không có mặt ở đây…Thu tạm thì cô giáo cứ ghi vào sổ, cái đấy giao cho lớp, GVCN phải  đưa vào sổ để ghi chứ bây giờ không có người. Hiệu trưởng không thể giữ phiếu thu,tài chính kế toán thì nghỉ….không có người thay. Hôm nào có việc gì phải làm lương phải có người lập tức chở cô ấy đi làm vì cô ấy mổ… Bây giờ chưa có rồi sẽ có, người ta tạm thu mà, chứ thu chưa xong.”


Khi bàn về quỹ hội, có hay không việc dùng quỹ hội vào mục đích riêng cho giáo viên, bà Dung chia sẻ:  “Các cháu nói ra thế này thì cô cũng biết rồi không sao cả. Phụ huynh này cũng là cô giáo có con học ở đây. Hôm trước là do cách nói không khéo của cô giáo chủ nhiệm thành ra cô ấy không hài lòng…chắc là cô ấy thôi chứ không ai cả…”


Tại Cv số 397/UBND-GD&ĐT về việc vận động xã hội hóa giáo dục tại các trường thuộc huyện năm học 2015 – 2016 của UBND huyện An Dương ký ngày 13/7/2015 giao: UBND các xã, thị trấn căn cứ chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và đề nghị của nhà trường thuộc địa phương; báo cáo Đảng ủy, HĐND xem xét, quyết định việc vận động xã hội hóa để tu bổ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học phục vụ năm học 2015 – 2016 đảm bảo đúng quy định hiện hành; Giao phòng Giáo dục & Đào tạo huyện chủ trì, phối hợp với phòng Tài chính – Kế hoạch, phòng Công thương huyện, các ngành liên quan, UBND các xa, thị trấn hướng dẫn, kiểm tra việc vận động xã hội hóa kinh phí tu bổ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hang năm. Kịp thời chấn chỉnh đề xuất xử lý theo thẩm quyền những thiếu sót, tồn tại trong hoạt động xã hội hóa tại các trường thuộc huyện.
 


Tờ trình gửi UBND xã Lê Lợi và Phòng GD&ĐT huyện An Dương


Việc thu các loại quỹ tại trường tiểu học Lê Lợi đã thỏa đáng hay chưa? còn chỗ nào chưa đúng với quy định hay không? câu trả lời đang chờ từ các cấp có thẩm quyền? Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi, rất nhiều tờ trình có chữ ký của phụ huynh học sinh trường Lê Lợi, Hải Phòng đã được gửi lên UBND xã Lê Lợi và Phòng GD&ĐT huyện An Dương để có lời giải đáp trong thời gian sớm nhất. 


SKCS.VN (Theo Skcd.com.vn)

 

Các tin khác

Học sinh lưu ý những mốc thời gian kế hoạch năm học 2019-2020 đã điều chỉnh

Bộ GD&ĐT sửa đổi mốc thời gian quan trọng năm học 2019-2020, học sinh cần nắm rõ

Lịch học học cả nước tiếp tục điều chỉnh do dịch Covid-19

Dịch Covid-19, Bộ GD&ĐT tiếp tục điều chỉnh khung thời gian kết thúc năm học 2019-2020

Dịch Covid-19, 150 trường tư thục kêu cứu vì cạn kiệt tài chính, có nguy cơ phá sản

Phòng học chiếu sáng đạt chuẩn phải đáp ứng tiêu chuẩn nào?

Bài văn tả bố được cô giáo chấm 9,5 điểm gây sốt mạng xã hội

Bộ giáo dục quyết định giảm 33% tổng chỉ tiêu đào tạo sư phạm trên cả nước

Phương pháp mới: Dùng người máy giúp học sinh ôn thi đại học

Top 10 ĐH đào tạo ngành khoa học máy tính tốt nhất thế giới