Sự thật về hạt dẻ trên thị trường, cách nhận biết hạt dẻ Trùng Khánh
một số người dân huyện Trùng Khánh đã mua hạt dẻ Trung Quốc về trộn lẫn với hạt dẻ vườn để bán cho khách với giá cao.
Dọc khu chợ xanh thành phố Cao Bằng tràn ngập hạt dẻ được quảng cáo là hạt dẻ Trùng Khánh - một loại nông sản địa phương rất nổi tiếng, được đánh giá là bùi, thơm và dầu vitamin hơn các loại hạt dẻ của các địa phương khác.
Theo người bán hàng, hàng bảo quản trong kho lạnh mang ra bán dần, tùy vào kích cơ hạt dẻ mà chúng được bán với giá từ 80.000 đến 100.000đ/kg và có thể mua bao nhiêu cũng được thậm trí từ 3 đến 5 tấn.
Đến với một hộ gia đình trồng gần một hecta dẻ trong suốt hai mươi năm qua, chúng tôi nhận được thông tin là hạt dẻ ở đây không có nhiều để đem ra chợ bán. Sản lượng chủ yếu chỉ đủ làm quà biếu tặng hoặc bán cho những người thân quen. Tại thời điểm tháng 2, tại vườn, các cây dẻ đều trơ cành không còn hạt để mà thu hoạch. Theo chủ hộ mùa hạt dẻ đã kết thúc từ tháng 10 năm trước và sản lượng thì rất nhỏ.
Nhận biết hạt dẻ Trùng Khánh và hạt dẻ Trung Quốc
Hạt dẻ Việt Nam: lớp vỏ dày hơn, hạt lõi bên trong màu vàng đậm hơn.
Hạt dẻ Trung Quốc: Vỏ mỏng, lõi bên trong vàng rất nhạt
Toàn bộ diện tích trồng dẻ của Trùng Khánh hiện nay chỉ được 224 hecta, chiến 25% diện tích đất trồng phù hợp trong cả huyện. Với sản lượng hơn 20 tấn/năm, hạt dẻ Trùng Khánh chỉ đáp ứng được nhu cầu của địa phương, không thể bầy bán tràn lan như hiện nay.
Và sự thật đáng buồn
Cũng chính vì sản lượng quá ít, giá cao nên một số người dân huyện Trùng Khánh đã mua hạt dẻ Trung Quốc về trộn lẫn với hạt dẻ vườn để bán cho khách với giá cao. Còn các thương lái thì chỉ cần mang hạt dẻ Trung Quốc đi khắp các tỉnh và gắn dòng chữ hạt dẻ Trùng Khánh là bán "đắt như tôm tươi". Sự gian dối này đang làm mất giá trị của hạt dẻ Trùng Khánh và bị coi là hành động tự bán rẻ thương hiệu của chính mình.
Một nông dân trồng dẻ ở xã Đình Minh (huyện Trùng Khánh) bức xúc cho biết, một số chủ vườn dẻ còn lừa khách du lịch bằng cách đem hạt dẻ Trung Quốc về vãi dưới gốc dẻ. Khách du lịch đến tận vườn, tự tay nhặt hạt dẻ, chắc chắn là dẻ xịn, thế nhưng họ biết đâu rằng mình vẫn bị lừa “đẹp”.