Quy định trong nghị định 19 có thực sự đi đúng hướng
nghị định 19 của Bộ Công thương có giải quyết trúng vấn đề hay là rào cản cho các doanh nghiệp…
Sau khi nghị định 19 ban hành áp dụng vào thực tiễn, câu hỏi mà các doanh nghiệp đặt ra là liệu mục đích hạn chế tình trạng kinh doanh manh mún, sang chiết gas trái phép thông qua những quy định về điều kiện kinh doanh có trong nghị định 19 của Bộ Công thương có giải quyết trúng vấn đề hay là rào cản cho các doanh nghiệp…
Nghị định 19/2016 về kinh doanh khí gas có hiệu lực từ hơn 3 tháng nay nhằm đưa hoạt động này vào quy củ, tránh gian lận gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện nghị định đang phát sinh những điểm bất cập.
Nhiều ý kiến cho rằng một số quy định điều kiện kinh doanh đang khiến doanh nghiệp khó khăn, ngày càng thu hẹp quy mô, thậm chí dẫn đến tình trạng độc quyền làm méo mó thị trường.
Theo Nghị định 19/2016, điều kiện để thương nhân phân phối khí là phải có các bồn chứa với tổng sức chứa tối thiểu 300 m3, có số lượng bình loại 12kg đủ điều kiện lưu thông là 100.000 chiếc, với tổng dung tích chứa tối thiểu hơn 2,6 triệu lít; phải có trạm nạp gas vào bình thuộc sở hữu của thương nhân; có tối thiểu 20 tổng đại lý hoặc đại lý kinh doanh gas…
Phản hồi của các doanh nghiệp
Kinh doanh trong lĩnh vực gas từ nhiều năm nay, ông Hà Thanh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và dịch vụ thương mại Đông Tùng ở tỉnh Hà Giang cho biết, điều kiện quy mô kinh doanh với bồn chứa tối thiểu 300m3, 100.000 vỏ bình gas là quá lớn đối với tỉnh miền núi và cũng không phù hợp với quy mô dân số.
Ông chia sẻ: Tại sao các tỉnh miền núi, hải đảo dân số ít, thu nhập thấp mà bắt buộc phải đầu tư số lượng vỏ bằng với các tỉnh có dân số lớn? Tại sao quy định phải đầu tư nhiều như vậy, có đúng quy luật thị trường không? Sản xuất vỏ xong mang đi đâu khi mà người mua không có? Thậm chí nhiều doanh nghiệp không có đất hoặc không biết kiếm đâu ra đất để làm kho khi phải mua thêm rất nhiều vỏ bình gas.
Để đáp ứng được điều kiện kinh doanh này, doanh nghiệp cần lượng vốn rất lớn, đồng nghĩa với việc đẩy giá thành lên cao, hạn chế sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Không chỉ vướng mắc ở quy mô kinh doanh, ngay cả các thủ tục hành chính cũng rắc rối không kém. ”Điều kiện đưa ra vượt quá khả năng đối với doanh nghiệp ở miền núi dẫn đến doanh nghiệp phải vay lượng vốn quá lớn để đầu tư.
Ngoài ra, ràng buộc điều kiện đại lý hạn chế quyền kinh doanh thời gian chuyển tiếp là 2 năm để thực hiện. Nhưng hiện nay, không có giấy phép là tổng đại lý và kinh doanh phân phối để cấp cho đại lý. Họ muốn phát triển thương hiệu gas cũng không được bị bó hẹp điều kiện kinh doanh, dẫn tới quy mô kinh doanh dần bị bó hẹp lại, không có cơ hội mở”, ông Tùng phản hồi.
Nhiều công ty khác cũng gặp khó khăn tương tự. Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Công ty Cổ phần Gas Cao Bằng, cho hay dân số tỉnh Cao Bằng hiện khoảng 600.000 người, trong đó hơn một nửa dân số dùng củi nấu nướng. Mỗi tháng thị trường Cao Bằng chỉ cần khoảng 60 tấn gas, tương đương 4.000 bình gas. Nếu tính chu kỳ ba tháng người dân thay gas một lần thì một DN chỉ cần 16.000 vỏ bình gas là đã đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường.
“Thế nhưng Nghị định 19 lại yêu cầu các công ty kinh doanh khí phải có 100.000 vỏ bình gas. Hiện riêng công ty tôi có 50.000 vỏ mà đã chất đống 30.000 bình rồi, chỉ sử dụng khoảng 20.000 vỏ bình là đã thừa nhu cầu thị trường. Đó là chưa kể ngoài công ty tôi, hiện còn có nhiều công ty khác cũng đang phân phối gas tại Cao Bằng như Thăng Long Gas, VM, Ngọn Lửa Thần”, ông Công nói.
“Nếu thực sự có ích và có lý thì các doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư để đáp ứng đòi hỏi của Nghị định 19, thậm chí vay vốn ngân hàng để tiếp tục mở rộng kinh doanh chứ cũng không có vấn đề gì. Vấn đề nằm ở chỗ những khoản đầu tư để đáp ứng nghị định này không hiệu quả kinh tế và không mang tính thị trường. Do đó đây là những yêu cầu phi lý”, ông Công tỏ vẻ bức xúc.
Ngoài ra, theo các doanh nghiệp kinh doanh gas, các quy định trên còn có nguy cơ gián tiếp gây ra méo mó thị trường, khi chỉ một số ít doanh nghiệp đáp ứng được điều kiện kinh doanh, dễ dẫn đến độc quyền, gây hạn chế cạnh tranh tại một địa bàn, nhất là ở các tỉnh miền núi, hải đảo khó khăn.
Trước những khó khăn này, 30 doanh nghiệp kinh doanh gas đã có đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương xem xét về điều kiện khi doanh khí gas.
Ông Hà Thanh Tùng đề nghị không nên quy định về số lượng vỏ bình và tồn trữ để DN thực hiện kinh doanh theo đúng quy luật của thị trường. Trường hợp đó là điều kiện bắt buộc đối với nhóm ngành kinh doanh có điều kiện thì nên quy định ở mức thấp nhất đối với một trạm chiết là 50.000 vỏ bình gas và tồn trữ 150 m3.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng việc kiểm soát chặt kinh doanh gas là đúng nhưng phải hợp lý. Đặc biệt cần tạo ra môi trường bình đẳng để các doanh nghiệp cùng cạnh tranh lành mạnh và Nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào thị trường.
Trước những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ đang theo dõi khảo sát lại, nếu thấy hợp lý sẽ trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
“Nghị định đã có hiệu lực thì phải thi hành, nhưng trong quá trình thi hành có vướng mắc, có doanh nghiệp này ủng hộ, doanh nghiệp khác không ủng hộ. Nhất là những quy định điều kiện để tham gia thị trường thì có doanh nghiệp phản đối, có doanh nghiệp đồng tình…. Bộ vẫn sẽ lắng nghe để ghi nhận. Nghị định còn 2 năm chuyển đổi, tức là cho phép chuyển đổi trong vòng 2 năm, tất nhiên có thể nhanh hơn, nếu thấy hợp lý thì vẫn đề xuất có điều chỉnh”, ông Quyền chia sẻ.
Kinh doanh gas là ngành nghề có điều kiện, liên quan đến an ninh năng lượng, an toàn tính mạng con người. Do vậy, theo Bộ Công Thương, dù là kinh tế thị trường nhưng vẫn cần có thiết chế để quản lý. Tuy nhiên, điều kiện kinh doanh cũng cần phù hợp với thực tế, khả năng gia nhập thị trường của doanh nghiệp, tránh nguy cơ độc quyền, dẫn đến méo mó thị trường và không tạo dựng được môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh.
Trước đó, tại hội nghị phổ biến Nghị định 19, đại diện Bộ Công Thương cho rằng kinh doanh gas là ngành nghề có điều kiện, liên quan đến an ninh năng lượng, an toàn tính mạng con người. Do vậy, dù là kinh tế thị trường, tự do nhưng vẫn cần có thiết chế để quản lý; nghị định ban hành ra không thể thỏa mãn tất cả doanh nghiệp được mà chỉ có thể thỏa mãn phần lớn các doanh nghiệp đang tồn tại.
Tổng hợp