Những thành tựu đạt được sau hiệp định lịch sử TPP
TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với 800 triệu dân.
Mấy ngày vừa qua, thông tin về hội nghị lịch sử Bộ trưởng Thương mại các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã làm nóng các phương tiện truyền thông thế giới…Đặc biệt, thành công của hội nghị (5/10) đã mang lại những dấu ấn và bước đi mới về thương mại tự do trên toàn cầu…
Sự khởi đầu của TPP
TPP là một hiệp định thương mại tự do đa phương theo cơ chế mở, bao gồm không chỉ các vấn đề mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ mà còn cả những lĩnh vực phi thương mại khác. Theo ước tính, sau khi có hiệu lực, TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với 800 triệu dân.
Đại diện 12 quốc gia thành viên TPP tại Atlanta, Mỹ
Hiệp định TPP ban đầu có tên là nhóm P-4 do 4 nước thành lập là Chile, New Zealand, Singapore và Mexico. Tháng 9/2008, Mỹ tuyên bố tham gia TPP và đến đầu năm 2009, Việt Nam quyết định tham gia TPP với tư cách thành viên liên kết. Tháng 11/2010, sau khi tham gia 3 phiên đàm phán TPP với tư cách này, Việt Nam chính thức tham gia đàm phán TPP. Cho tới nay đã có 12 nước tham gia vào đàm phán TPP bao gồm New Zealand, Brunei, Chile, Singapore, Australia, Peru, Mỹ, Malaysia, Việt Nam, Canada, Mexico và Nhật Bản.
Tiến trình đám phán đầy căng thẳng
Sáng 5/10 theo giờ miền Đông nước Mỹ (tối 5/10 theo giờ Việt Nam), tại hội nghị diễn ra ở thành phố Atlanta, Bộ trưởng Thương mại các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đạt được thỏa thuận cuối cùng đối với hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới này.
Sau 5 ngày đàm phán căng thẳng với rất nhiều phiên thảo luận thâu đêm, 12 nước thành viên đã cùng nhau tháo gỡ 3 nút thắt chính còn lại trên con đường dẫn tới thỏa thuận lịch sử này, bao gồm vấn đề dỡ bỏ hàng rào thuế quan đối với mặt hàng linh kiện ô tô nhập khẩu vào thị trường Bắc Mỹ, Canada và Mỹ mở cửa thị trường cho các sản phẩm bơ sữa của New Zealand và thời gian giữ bảo hộ độc quyền đối với các sản phẩm sinh dược thế hệ mới.
Văn bản chính thức công bố sau hội nghị nêu rõ: “Sau hơn 5 năm đàm phán, chúng tôi vui mừng tuyên bố đã đạt thỏa thuận nhằm hỗ trợ việc làm, tăng trưởng ổn định, phát triển và thúc đẩy sáng kiến tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương vì lợi ích của người dân. Quan trọng nhất, thỏa thuận đã đạt được các mục tiêu đề ra”.
Hiệp định TPP có hiệu lực vào đầu năm 2016
Sau khi 12 nước ký hiệp định TPP, văn kiện này cần nhận được sự phê chuẩn của chính phủ và Quốc hội các nước thành viên để có hiệu lực.
Tới 5/10 TPP vẫn là một chủ đề gây tranh cãi trong Quốc hội Mỹ. Thượng Nghị sỹ Dân chủ Ron Wyden, thành viên Ủy ban Tài chính Thượng viện, đã kêu gọi Đại diện Thương mại Mỹ Micheal Froman phải bảo đảm kết quả đàm phán tạo thuận lợi hơn đối với việc tiếp cận thị trường cho các nhà sản xuất sản phẩm sữa của Mỹ.
Trong khi đó, một nhóm 45 Hạ nghị sĩ đã gửi thư cho Đại diện Thương mại Mỹ Froman yêu cầu đàm phán TPP phải đẩy mạnh tự do hóa thị trường đường giữa các nước thành viên TPP, cho rằng để đổi lại việc tăng quyền tiếp cận thị trường đường của Mỹ cho các nước thành viên TPP, các nước thành viên khác trong TPP phải mở cửa thị trường cho các nhà xuất xuất nông sản Mỹ.
Trước đó, Chủ tịch Thường trực Thượng viện Orrin Hatch hôm 29/9 tuyên bố Chính quyền Tổng thống Barack Obama “không nên vội vàng” kết thúc đàm phán nếu không đạt được các yêu cầu về mở cửa thị trường, quyền sở hữu trí tuệ và các ưu tiên khác theo luật về Quyền Thúc đẩy thương mại (TPA) đã được Quốc hội Mỹ thông qua, nếu không, thỏa thuận đạt được sẽ khó được quốc hội nước này phê chuẩn.
Theo TPA, Quốc hội Mỹ sẽ có thời hạn 90 ngày để xem xét và sau đó bỏ phiếu thông qua hoặc bác bỏ hiệp định TPP chứ không có quyền sửa đổi. Như vậy, TPP chỉ có thể được Quốc hội Mỹ thông qua sớm nhất là vào đầu năm 2016.
Tổng hợp