Những con vật thông minh được sử dụng như thế nào trong chiến tranh
Những động vật thông minh được sử dụng trong thời chiến tranh như thế nào.
Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, người ta dùng bồ câu để truyền tin. Quân đội Mỹ thành lập trại huấn luyện bồ câu Fort Monmouth để phục vụ chiến tranh. Các sử gia cho hay, bồ câu đã vận chuyển hơn 90% thông tin của quân đội Mỹ. Trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất, một con bồ câu mang tên Cher Ami đã bay qua khoảng cách hơn 40 km với một cánh gãy để truyền tin, góp phần cứu mạng 600 người.
Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, để đối phó với bồ câu đưa thư của quân Đức, quân đội Anh huấn luyện một đội chim ưng dể tiêu diệt bồ câu.
Gần đây nhiều nước sử dụng chuột để dò bom mìn. Chúng có trọng lượng nhỏ, linh hoạt và cần chi phí thấp hơn so với chó săn. Cơ quan an ninh và chống gián điệp Vương quốc Anh đã sử dụng chuột để nhận biết sự gia tăng chất andrenalin - một thành phần trong mồ hôi của người, tiết ra khi chúng ta căng thẳng. Họ dùng chuột để phát hiện những phần tử khủng bố tại sân bay. Tuy nhiên, người ta chưa thể sử dụng chuột một cách rộng rãi, vì chúng không thể phân biệt phần tử khủng bố và những hành khách sợ độ cao.
Trong Chiến tranh Lạnh, CIA thực hiện chiến dịch Acoustic Kitty nhằm cấy ghép thiết bị nghe lén vào cơ thể mèo để nghe trộm thông tin từ các quan chức ngoại giao Liên Xô. Chiến dịch bắt đầu từ năm 1961 và thất bại hoàn toàn vào năm 1967 khi xe hơi cán chết con mèo với thiết bị nghe lén trị giá 15 triệu USD trong lần đầu thử nghiệm ở thủ đô Washington.
Trong thời phong kiến, nhiều nước sử dụng voi như phương tiện giao thông vận tải. Họ cũng huấn luyện voi trở thành công cụ chiến đấu. Voi có thể chà đạp quân địch và ngựa, gây ra sự hỗn loạn.
Năm 1943, lính Ba Lan phát hiện một con gấu trong rừng của Iran và đặt tên nó là Voytek. Họ nuôi và huấn luyện Voytek để nó vận chuyện đạn dược vào trận địa. Năm 1944, Voytek chính thức gia nhập quân đội Ba Lan như một người lính. Sau chiến tranh, nó sống tại vườn thú Edinburgh đến khi chết vào năm 1963.
Trong Thế chiến thứ hai, quân Liên Xô huấn luyện chó để chúng tìm thức ăn thừa dưới gầm xe tăng của Đức. Bom trên cơ thể những con chó sẽ nổ khi chúng chui dưới gầm xe tăng.
Hải quân Mỹ đã sử dụng cá heo từ đầu thập kỷ 60 của thế kỷ 20 bởi những giác quan phát triển cao của cá heo có thể định vị mìn và thực thi các nhiệm vụ dưới nước khác. Khi phát hiện vật thể đáng ngờ, cá heo chạm vào đối tượng để gắn đèn tín hiệu nhấp nháy và phát tín hiệu cảnh báo cho nhân viên quân sự ở gần đó.
Loài ong có khả năng nhận biết mùi hương và phấn hoa của từng loài cây. Lợi dụng khả năng này, người ta huấn luyện ong để phân biệt mùi của các thành phần trong bom. Khi ong tiếp xúc với mùi hương, vòi hút mật của nó sẽ rung mạnh và phát tín hiệu. Một phần mềm nhận dạng sẽ phát tín hiệu cho trung tâm chỉ huy khi tất cả đàn ong cùng phát ra âm thanh.
Và có những kiểu đánh khá ngộ nghĩnh với những chú lợn. Quân La Mã từng thả lợn vào chiến trận để gây hỗn loạn hàng ngũ đối phương. Những con lợn kêu ré lên và chạy khắp nơi, khiến voi và ngựa của đối phương hoảng sợ và giẫm lên binh sĩ.
Skcs.vn (Theo zing)