Những cái tên đình đám trong làng công nghệ 'biến mất' trong năm 2014
Dưới đây là một số cái tên dù tiếc nuối nhưng chúng ta sẽ không còn thấy trên bản đồ công nghệ trong năm 2015 nữa.
Công nghệ có lẽ là một trong những lĩnh vực phát triển nhanh nhất với ngày càng nhiều công nghệ hiện đại và tân tiến được các nhà sản xuất tìm ra. Kết quả tất yếu là những sản phẩm được đánh giá là “lỗi thời” hay không còn duy trì được sức mạnh của mình bắt buộc phải rời bỏ cuộc chơi trong niềm tiếc nuối của người hâm mộ. Dưới đây là một số cái tên chúng ta sẽ không còn thấy trên bản đồ công nghệ trong năm 2015.
Windows XP (2001 – 2014)
Microsoft đã chính thức khai tử hệ điều hành Windows XP vào ngày 8/4/2014,qua đó đặt dấu chấm hết cho hệ điều hành 13 năm tuổi này. Ta nên biết tuổi thọ thông thường của một sản phẩm Windows chỉ là 10 năm tuổi, ít hơn một phần ba so với XP.
Theo đó, từ ngày 8/4, tất cả mọi hỗ trợ kỹ thuật cho Windows XP sẽ biến mất, cùng với đó Microsoft sẽ không đưa ra thêm bất cứ bản vá lỗi nào nữa. Trên thực tế Microsoft đã thông báo trước về sự khai tử Windows XP từ rất lâu (tháng 4/2009) nhưng cuối cùng đến năm 2014 mới thực hiện. Theo chân Window XP vào cùng lúc đó là bộ công cụ ứng dụng văn phòng Microsoft Office 2003.
Màn hình nền huyền thoại của Windows XP.
Trước khi XP chính thức bị khai tử, số liệu của hãng nghiên cứu thị trường Net Applications đã chỉ ra hệ điều hành 13 năm tuổi này vẫn nắm giữ 28% thị phần người dùng hệ điều hành Windows trên toàn cầu. Thậm chí ít nhất một nửa số máy tính ở Trung Quốc vẫn chạy Windows XP (tính đến tháng 1/2014). Các phiên bản nối tiếp XP sẽ tiếp tục ra đời nhưng có lẽ sẽ không ai có thể che mờ được cái bóng quá lớn mà “huyền thoại” này để lại.
Sony VAIO (1996 – 2014)
Đầu năm nay, ông lớn trong ngành công nghệ Sony cũng đã quyết định khai tử mảng kinh doanh laptop của mình, qua đó tập trung đầu tư vào sản xuất smartphone, tablet, máy chơi game và 2 lĩnh vực giải trí điện ảnh và âm nhạc. Kết quả là thương hiệu 17 năm tuổi VAIO được bán lại cho quỹ đầu tư Japan Industrial Partner (JIP).
Quyết định của Sony được đưa ra trong bối cảnh doanh số laptop VAIO quý IV/2014 thua lỗ trầm trọng gần 12.6 tỷ yên. Sony nhận thấy rằng họ đã bị đánh bại trong thi phầm laptop cao cấp – thị phần mà VAIO nhắm tới, bởi các ông lớn trong ngành công nghệ khác như Apple hay Samsung. Ông Kazuo Hirai – tổng giám đốc của Sony cho biết quyết định bán đi mảng máy tính VAIO là một quyết định “cực kỳ khó khăn và đau khổ”.
VAIO đã bị các sản phẩm đến từ Samsung và Apple đánh bại ngay tại chính phân khúc của mình.
Được biết Japan Industrial Partner là một công ty có quy mô nhỏ với chỉ khoảng 240 nhân viên. Với quy mô như vậy, chắc chắn VAIO sẽ không thể tìm lại được vị trí năm xưa của mình trên bản đồ công nghệ thế giới nhưng ít nhất thương hiệu này cũng không biến mất hoàn toàn. Hiện tại JIP đã bắt đầu bán lại VAIO Fit và VAIO Pro trên thị trường Nhật Bản nhưng khi nào họ tiến ra thị trường thế giới hay họ có quyết định thâm nhập trở lại vào thị trường thế giới hay không là điều không ai có thể nói trước được.
TV Plasma (1999-2014)
Vào giai đoạn cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, TV Plasma ra đời và được đón nhận rộng rãi với lời ca ngợi là “tương lai của công nghệ TV giải trí”. Tuy vậy, vòng đời của TV Plasma đã kết thúc sớm hơn mong đợi sau khi bị ngưng sản xuất hoàn toàn trong năm nay. LG và Samsung – 2 hãng sản xuất màn hình plasma cuối cùng còn sót lại, cũng đã ngừng sản xuất sản phẩm này vào ngày 30/11 năm nay.
TV Plasma đã phải nhường lại vị trí của mình cho OLED TV
Tuy chất lượng hình ảnh hiển thị của TV Plasma vẫn là số một hiện nay, vượt trội hơn so với cả LCD hay LED, nhưng những hạn chế của sản phẩm này (giá cả, độ bền, tuổi thọ...) đã đưa TV Plasma vào bảo tàng cùng với TV điện tử sử dụng ống tia Cathode. TV Plasma là minh chứng điển hình chứng tỏ chất lượng không phải là tất cả. Một sản phẩm muốn thành công phải đạt được sự cân bằng giữa tính năng và giá cả - điều mà TV Plasma chỉ làm được một nửa.
Nokia (1984 – 2014)
Sự ra đi của Nokia có lẽ đã làm bàng hoàng tất cả fan hâm mộ thương hiệu điện thoại này trên toàn thế giới. Tuy vậy, với kết quả kinh doanh không khả quan cùng sự thích nghi chậm chạp với xu hướng thị trường biến đổi liên tục, đây có lẽ là cái kết không thể tránh khỏi cho ông lớn đến từ Phần Lan.
Thương hiệu Nokia sẽ không còn xuất hiện.
Có thể nói Nokia đã thống trị thị trường điện thoại di động trong một thời gian rất dài trước khi iPhone và iOS xuất hiện. Khi đó, nhắc đến điện thoại là nhắc đến Nokia. Ngay cả khi Motorola RAZR ra đời và tạo nên một cơn sốt vào thời điểm đó, vẫn không một ai tin vào việc có bất cứ sản phẩm hay thương hiệu nào có thể hạ bệ thương hiệu đến từ Phần Lan. Khi đó, màn hình đơn sắc, trò chơi rắn săn mồi cùng bàn phím cao su T9 có lẽ luôn là hình ảnh hiện hữu trong ký ức của người dùng điện thoại di động. Tuy vậy, giờ đây những hình ảnh đó chỉ còn là những kỷ niệm đẹp khi thương hiệu Nokia chính thức biến mất và thay vào đó là thương hiệu Microsoft Lumia khi Microsoft mua lại công ty Phần Lan vào cuối năm 2013.
Và thay vào đó là Microsoft Lumia.
Quang Phong - Skcs.vn (tổng hợp)