Những biện pháp chống nội dung khủng bố của YouTube
YouTube đã vạch ra 4 bước để chống lại những hoạt động cực đoan
Trong một bài bình luận được đăng tải trên Financial Times, YouTube đã vạch ra 4 bước để chống lại những hoạt động cực đoan trên nền tảng của mình.
Vài tháng gần đây, các trang mạng xã hội đang bị chỉ trích mạnh mẽ vì chưa đủ sức ngăn cản các nội dung khủng bố. Trong một bài bình luận được đăng tải trên Financial Times, YouTube đã vạch ra 4 bước để chống lại những hoạt động cực đoan trên nền tảng của mình.
Kent Walker, Phó Chủ tịch cấp cao và cố vấn pháp lý Google, là tác giả bài viết. Ông cho biết YouTube đang hợp tác với nhiều chính phủ và cơ quan hành pháp khác nhau để xác minh và gỡ nội dung khủng bố, cũng như đầu tư vào các hệ thống hỗ trợ. Bất chấp các nỗ lực này, ông thừa nhận ngành công nghệ vẫn phải làm nhiều hơn và nhanh hơn.
Bước đầu tiên trong 4 bước là mở rộng hệ thống tự động nhằm xác định các video liên quan đến khủng bố tốt hơn, sử dụng máy học để “đào tạo hệ thống phân loại nội dung mới, hỗ trợ nhanh chóng xác định và gỡ bỏ nội dung”.
Công ty cũng mở rộng nhóm người dùng chuyên gia Trusted Flagger, bao gồm những tài khoản có đặc quyền đánh giá nội dung bị báo cáo vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng. Ông Walker lưu ý YouTube đang tăng gần gấp đôi chương trình bằng cách “bổ sung 50 chuyên gia phi lợi nhuận vào 63 tổ chức đang tham gia”.
Bước thứ ba là đưa ra quy định chặt chẽ hơn với các video chưa vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng, chẳng hạn chứa nội dung tôn giáo, thuyết ưu thế. Những video này không bị gỡ bỏ nhưng bị ẩn đi kèm cảnh báo và không có doanh thu quảng cáo.
Cuối cùng, công ty sẽ áp dụng biện pháp chuyển hướng rộng rãi hơn tại châu Âu, khai thác sức mạnh của quảng cáo mục tiêu để tiếp cận những đối tượng đang được IS hướng đến để chuyển họ sang các video chống khủng bố với hi vọng thay đổi tư duy của họ. Phương pháp này hiện áp dụng tại Mỹ.
Ông Walker tiết lộ YouTube đang cùng với những công ty như Facebook, Twitter phát triển các công cụ và kỹ thuật để ủng hộ những nỗ lực chống khủng bố trên mạng. Các bước mới được đưa ra vài tuần sau cuộc tấn công khủng bố tại Luân Đôn (Anh), khiến Thủ tướng Anh Theresa May kêu gọi ra quy định mới cho các hãng Internet. Nhà chức trách châu Âu cũng cân nhắc các biện pháp mạnh tay hơn: Đức muốn phạt nặng các mạng xã hội không gỡ bỏ nội dung cực đoan nhanh chóng, trong khi EU gần đây thông qua bộ đề xuất mới yêu cầu xóa những nội dung như vậy.
Suckhoecuocsong.com.vn (Nguồn GenK)