Nhận biết sự thay đổi của thời tiết qua các dấu hiệu
Các hiện tượng thời tiết luôn ảnh hưởng đến mọi mặt trong cuộc sống. Bởi vậy những sự thay đổi của nó cũng sẽ có những tác động không nhỏ đến đời sống của con người nhất là nhưng người nông dân, ngư dân.
Từ những vụ mùa trồng trọt đến các trận chiến tranh chinh phạt, tất cả đều có thể thành công hay thất bại chỉ vì những thay đổi bất ngờ của thời tiết.
Dự đoán thời tiết xấu dựa vào bệnh đau nhức xương
Ý tưởng về khả năng cảm nhận thời tiết của con người đã được ghi nhận từ lâu bởi Hippocrates - một trong những người khai sinh y học phương Tây.
Trong các tài liệu của mình, ông từng ghi lại một số căn bệnh có dấu hiệu trầm trọng hơn trong các điều kiện khí tượng cụ thể. Một trong số đó là chứng đau nhức xương khớp, căn bệnh trở nên khó chịu mỗi khi "trái gió trở trời".
Ngày nay, các nghiên cứu y học đã tìm ra mối liên hệ giữa các cơn đau nhức với thời tiết dựa vào các số liệu thống kê. Chẳng hạn, nghiên cứu của tạp chí American Journal of Medicine trên 200 đối tượng bị viêm khớp đầu gối vào năm 2007 cho thấy tồn tại mối liên hệ giữa áp suất khí quyển và mức độ đau.
Theo đó, trong các khớp xương của cơ thể người, chất dịch bôi trơn tồn tại ở trạng thái cân bằng liên tục với áp suất không khí của môi trường xung quanh.
Do đó, khi áp suất giảm (biểu hiện bão đến gần), lượng dịch bôi trơn thay đổi, các mô phản ứng bằng cách sưng, kích thích các dây thần kinh và khiến bạn thêm đau. Vì vậy, việc dự đoán thời tiết xấu vào chứng đau xương khớp là hoàn toàn có cơ sở đáng tin cậy.
Bình minh đỏ báo hiệu cho một ngày mưa bão
Trong thơ văn lãng mạn, Mặt trời đỏ hừng hực ló rạng mỗi sáng là biểu tượng cho niềm hi vọng vào ngày mới, còn hoàng hôn thì tượng trưng cho những điều u buồn. Nhưng các nhà thơ không hề biết, nếu Mặt trời lúc bình minh có màu đỏ, nhiều khả năng ngày đó sẽ có nhiều mưa bão, đặc biệt trên đại dương.
Vì sao lại như vậy? Câu trả lời thực ra không quá phức tạp như nhiều người tưởng tượng. Theo đó, các sắc thái từ cam tới đỏ của đường chân trời vào lúc bắt đầu hoặc kết thúc một ngày là kết quả từ sự tán xạ của ánh sáng Mặt trời trong bầu không khí khô và nhiều bụi.
Vì thế, khi thấy cảnh tượng này buổi sáng, đó là lúc bạn nhận ra có một vùng khí áp cao và độ ẩm thấp, khô ráo ở giữa bạn và Mặt trời.
Khi khối khí áp cao di chuyển qua, chúng sẽ kéo theo một khối khí áp thấp. Đây là điều kiện vô cùng thuận lợi để các cơn mưa bão hoành hành.
Đây là một kinh nghiệm vô cùng bổ ích cho những ai hay ra đường buổi sớm. Khi đó, chỉ cần để ý chút là bạn hoàn toàn có thể dự đoán được thời tiết của một ngày dài.
Tuy nhiên, tuyệt chiêu này thường đúng với đa số nước ở vĩ độ trung bình, bao gồm phần lớn Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á, Nam Phi, nửa phía nam của Nam Mỹ và Úc. Tại các cực và vùng nhiệt đới, các hiện tượng thời tiết có xu hướng di chuyển theo hướng ngược lại.
Tiếng kêu của dế cho biết nhiệt độ môi trường
Bằng cách cọ sát các gân cánh với nhau, loài dế có thể phát ra âm thanh với nhiều mục đích riêng biệt, từ quyến rũ bạn tình đến báo động nguy hiểm. Nhưng bạn có biết tiếng kêu của chúng cũng có thể giúp ta đoán được nhiệt độ không khí?
Dế phát ra âm thanh “ríc ríc!” nhanh hơn trong điều kiện thời tiết nóng hơn và chậm hơn khi thời tiết lạnh hơn. Ở một số loài như dế cây Oecanthus fultoni, tần suất tiếng “ríc ríc!” và nhiệt độ môi trường có liên hệ trực tiếp nhau. Vì lý do này mà chúng được mệnh danh là "dế nhiệt kế".
Loài “dế nhiệt kế” Oecanthus fultoni
Thật vậy, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bạn có thể tính toán nhiệt độ không khí bằng cách đếm số tiếng gáy của dế và đưa vào công thức sau Nhiệt độ (độ F) = (50 + Số tiếng "ríc" mỗi phút - 40)/4.
Như vậy, nếu dế kêu khoảng 300 tiếng "ríc" mỗi phút, ta sẽ có nhiệt độ không khí là 77,5 độ F, tương đương 25 độ C.
Tính toán độ trễ của tiếng sấm sau tia sét sẽ giúp tính khoảng cách cơn bão
Ai cũng biết khi trời có dông, sấm sét đùng đùng thì đó là dấu hiệu của một cơn bão lớn. Nhưng để tính được khoảng cách từ nơi mình đứng tới cơn bão thì đó là điều không phải ai cũng biết.
Thực ra, quy tắc tính này rất đơn giản và bạn hoàn toàn có thể tự thực hiện. Chúng dựa trên các công thức vật lý liên quan tới vận tốc âm thanh trong khí quyển (344m/s). Theo đó, tại vị trí của cơn bão, khi một tia sét xuất hiện thì vài giây sau bạn mới nghe thấy tiếng sấm.
Do đó, thời gian tiếng sấm chậm hơn tia sét tương ứng với quãng đường sóng âm phải đi từ vị trí cơn bão tới tai bạn. Vì thế, bạn chỉ cần lấy số giây chậm nhân với tốc độ âm thanh là sẽ tính được khoảng cách giữa mình với cơn bão sắp tới.
Khi bò nằm xuống trời sẽ đổ mưa
Bò là loài gia súc rất quen thuộc trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Trong nhiều nền văn hóa, có rất nhiều những câu chuyện và niềm tin xung quanh chúng. Chẳng hạn người ta nói rằng một chú bò ăn lông của chính mình thì sẽ quên đường về nhà cũ, hoặc một chú bò bị cắt đuôi sẽ không bao giờ chạy trốn. Đặc biệt, để dự đoán thời tiết, người xưa cho rằng khi bò nằm xuống, trời sẽ đổ mưa.
Sắp mưa rồi, về nhà đi!
Sau này, nhiều người cho rằng đây chỉ là tin đồn vô căn cứ. Nhưng các nhà khoa học thì không nghĩ vậy. Họ chỉ ra rằng, bò là loài vật có xu hướng đứng nhiều hơn khi cơ thể quá nóng và làm vậy để giải nhiệt.
Vì thế, khi bò nằm xuống nhiều, điều đó có nghĩa thời tiết sẽ trở nên mát mẻ hơn hoặc một cơn mưa sắp ập tới.
Skcs.vn (Theo trithutre/ Howstuffworks)