Nét đẹp Hà Nội "băm sáu phố phường"

20/10/2014 15:14

Vẻ đẹp của Hà Nội ba mươi sáu phố phường

Sách “Hà Nội băm sáu phố phường” của Thạch Lam viết: “Người Pháp có Paris, người Anh có London, người Tàu (Trung Quốc) có Thượng Hải… Trong các sách vở, trên các báo chí, họ nói đến thành phố của họ một cách tha thiết, mến yêu…Chúng ta cũng có Hà Nội, một thành phố rất nhiều vẻ đẹp vì Hà Nội đẹp thật và cũng vì chúng ta yêu mến Hà Nội với tâm hồn người Hà Nội cũng như người Paris chính hiệu yêu mến Paris…”

Hà Nội hiện nay có 9 quận, 5 huyện gồm 128 phường, 98 xã và 6 thị trấn, nhưng đó là “phường và phố” Hà Nội hiện nay. Còn ca dao cổ có câu: “Hà Nội băm sáu phố phường. Hàng Gạo, Hàng Đường, Hàng Muối trắng tinh…” Khu phố cổ "36 phố phường" của Hà Nội được giới hạn bởi đường Hàng Đậu ở phía Bắc, phía Tây là đường Phùng Hưng, phía Đông là đường Trần Nhật Duật và Trần Quang Khải, phía Nam là đường Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ, Hàng Thùng. Khu phố cổ được biết đến hiện nay được thiết kế và quy hoạch theo phong cách kiến trúc Pháp với mạng lưới đường hình bàn cờ, nhưng dấu vết lịch sử thì lại in đậm ở nhiều lớp văn hoá chồng lên nhau. Thăng Long - Hà Nội là một vùng văn hoá truyền thống đặc biệt bởi vì đến hết thế kỷ XVI, Thăng Long - Đông Đô - Đông Kinh vẫn là đô thị độc nhất của nhà nước Đại Việt lúc ấy. “Kẻ Chợ” - tên gọi khác của Thăng Long - Hà Nội xưa có thành, có thị, có bến, có 36 phường buôn bán và thợ thủ công, có chợ ô ven đô, có các làng nghề chuyên canh và chế biến nông sản.

Mỗi phố là những dãy nhà san sát làm theo kiểu chồng bao diêm mà hiện nay chúng ta còn thấy ở các phố Hàng Buồm, Hàng Bạc, Hàng Ngang, Hàng Đào… Các dãy nhà này vừa là nhà ở lại vừa là cửa hiệu. Dưới thời nhà Lý, nhà Trần, Phố cổ Hà Nội bao gồm nhiều phường trong tổng số 61 phường thời đó. Vào thời Lê, đầu thế kỷ XVI, Hà Nội trở thành Đông Kinh, khắp nơi đổ về buôn bán làm ăn trong 36 phường lúc bấy giờ, và dần dần, nơi đây chính là khu Phố Cổ thời nay. Cùng với những yếu tố nổi trội về lịch sử, khu Phố Cổ xứng đáng được xem như là một không gian, mà tại đó một thời đã thể hiện một dấu ấn không thể phai mờ về một cuộc sống đô thị khá toàn diện về kinh tế, xã hội, tập quán, truyền thống.

Phường

Vào thời Lê, "phường" ngoài nghĩa chỉ các tổ chức của những người cùng làm một nghề (phường chèo, phường thợ) thì còn một nghĩa khác nữa, chỉ những khu vực địa lý được coi là đơn vị hành chính cấp cơ sở ở kinh thành Thăng Long. Sử cũ còn ghi Thăng Long đời Lê gọi là phủ Phụng Thiên. Chia ra hai huyện Vĩnh Xương (sau đổi ra Thọ Xương) và Quảng Đức (sau đổi ra Vĩnh Thuận). Mỗi huyện 18 phường. Như vậy, Thăng Long có 36 phường. Phường là tổ chức nghề nghiệp (chỉ có ở kinh thành Thăng Long), đây là nơi sống và làm việc của những người làm cùng một nghề thủ công. Trong số các nghề mà sau đó phát triển ở Hà Nội là nghề nhuộm, dệt, làm giấy, đúc đồng, rèn và gốm. Ở đây còn có nghề đúc tiền (sắt và đồng), đóng thuyền, làm vũ khí và xe kiệu.
Phố

Nếu phường nguyên nghĩa là một khu vực hành chính thì phố nguyên nghĩa là chỗ bán hàng, nơi bày hàng (tức là như ta nói ngày nay là cửa hàng, cửa hiệu). Phố có thể là một ngôi nhà, một chỗ trống lấy làm nơi bày hàng hóa để buôn bán. Ví dụ như cụm từ “phố Hàng Trống” nguyên nghĩa chỉ là một ngôi nhà, một cửa hàng bán trống. Phố Hàng Chiếu vốn chỉ một nhà bày bán chiếu… Các "phố" (phố với nghĩa là cửa hàng, cửa hiệu) tập trung ken sát nhau thành một dãy nên được gọi tắt là phố.
Hàng

Đặc điểm chung của các phố cổ Hà Nội là nhiều tên phố bắt đầu bằng từ "Hàng", tiếp đó là một từ chỉ một nghề nghiệp nào đó. Thí dụ: Hàng Đào, Hàng Đường, Hàng Mã, Hàng Thiếc… Nơi đây diễn ra đồng thời nhiều hoạt động trong đời sống hằng ngày của cư dân đô thị như sinh sống, bán hàng sản xuất, lễ hội, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, tạo nên một sức sống mãnh liệt để khu phố cổ tồn tại vĩnh viễn và phát triển không ngừng.

Dân cư ở khu phố cổ cứ tăng dần lên, lấn chiếm các không gian trống của các sân trong từng nhà. Một số mặt hàng thủ công truyền thống bị mai một. Khu phố cổ từ 1986 đến nay, dưới đường lối đổi mới của Đảng đã khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân xây dựng mở mang phát triển kinh tế-văn hoá-xã hội. Buôn bán ở khu phố cổ dần dần được phục hồi, phát triển và sầm uất hơn xưa. Nhiều ngôi nhà cổ được cải tạo đổi mới, nhiều nhà xuống cấp, bị hỏng được xây dựng lại với nhiều kiểu cách. Nhiều đình, đền, chùa được tu sửa. Góp phần vào không khí hoạt động của khu phố cổ trong một thập kỷ gần đây là lượng khách du lịch đông đảo, là nhân tố tích cực thúc đẩy hoạt động thương mại, dịch vụ, văn hoá.

Khu phố cổ Hà Nội là hiện thân của lịch sử, văn hóa, kiến trúc kinh kỳ Thăng Long xưa, mang hồn thiêng khí phách lịch sử dân tộc, là một di tích vô cùng quý giá của Thủ đô Hà Nội và của cả nước. Chính vì vậy, Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) đã ra Quyết định số 14/2004/QĐ-BVHTT xếp hạng khu phố cổ Hà Nội là Di tích lịch sử quốc gia. Đây là niềm vinh dự đối với người dân Thủ đô, đồng thời cũng đặt ra trách nhiệm không nhỏ không chỉ đối với người quản lý, mà cả đối với bản thân người dân sống trong khu phố cổ trong việc gìn giữ và bảo tồn khu phố của mình.

SKCS.VN (Theo vanhoadantoc.edu.vn)

Các tin khác

Những điều cần nhớ khi du lịch Đức

Những điều cần nhớ khi du lịch Hy Lạp

Du lịch Hong Kong những điều cần biết

Du lịch Trung Quốc: Những điều cấm kỵ cần biết

Những điều cấm kỵ khi đi du lịch Ý

Du lịch Canada du khách cần nhớ những điều cần tránh này

Những điều kiêng kỵ khi du lịch Úc du khách cần biết

Những điều kiêng kỵ du khách cần nhớ khi du lịch Singapore tránh gặp rắc rối

Khám phá Indonesia du khách tránh phạm phải những điều này

Để chuyến du lịch thuận lợi hãy nhớ những điều kiêng kỵ khi đến Đài Loan