Lỗ hổng lớn trong cấp phép đầu tư cho Formosa
Quy trình cấy giấy phép cho Formosa tạo ra lỗ hổng hớn về quản lý
Khi lật lại quy trình cấp phép cho một siêu dự án như Formosa, ít ai ngờ là nó quá sơ sài để rồi sau 8 năm, kể từ khi ông Võ Kim Cự - đại diện UBND Hà Tĩnh - đồng ý để Formosa đầu tư vào Vũng Áng thì hầu hết các bộ, ngành đều cho rằng mình… vô can. Ngay cả khi ông Cự khẳng định, tất cả là “đúng quy trình” và “được sự đồng ý của 12 bộ, ngành”.
Các bộ đồng tình… đổ lỗi cho nhau
Theo quy định hiện hành, quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư và các khu chức năng trong một khu kinh tế phải trải qua ít nhất 12 bước. Bắt đầu từ việc khảo sát thực địa, tìm hiểu thông tin tới xin chủ trương đầu tư. Tiếp đó là lập kế hoạch và phê duyệt kế hoạch chi tiết, ký quỹ cam kết thực hiện dự án, đăng ký đề nghị cấp giấy đầu tư. Bước tiếp theo là lập, thẩm định phê duyệt dự án, thẩm định duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy. Bước tiếp là thủ tục về bảo vệ môi trường trong đó có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường theo quy định của Bộ Tài Nguyên Môi trường. Các quy trình còn lại là thủ tục thuê đất, xin giao đất, giấy phép xây dựng, tuyển dụng lao động, xin phép xả nước thải… Cuối cùng mới là đăng ký dự án hoạt động chính thức.
Từng đó công đoạn ứng với trách nhiệm của từng bộ, sở ngành dọc. Đặc biệt trong việc thẩm định công nghệ, tác động môi trường. Thế nhưng ở thời điểm này, nhiều bộ ngành đã chối đây đẩy trách nhiệm. Dù nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ (KHCN) Nguyễn Quân là người đã ký duyệt hồ sơ giai đoạn xem xét tiền khả thi, song nhiều đại diện của bộ này vẫn lên tiếng khẳng định, Bộ KHCN vô can và đổ trách nhiệm sang cho Bộ Công Thương.
Theo ông Đỗ Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Đánh giá thẩm định và giám định công nghệ (Bộ KHCN), thời điểm Formosa xin giấy phép đầu tư, cơ quan chịu trách nhiệm phê duyệt đầu tư là UBND tỉnh Hà Tĩnh chứ không phải Bộ KHCN. Quá trình xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư, địa phương có gửi hồ sơ về cho Bộ KHCN nhưng đây chỉ là giai đoạn xem xét tiền khả thi. Theo quy định, Formosa chỉ cần nêu sơ bộ lựa chọn phương án công nghệ chưa cần phân tích cụ thể. “Ở giai đoạn đó, theo quy định, Bộ KHCN chỉ làm được đến vậy. Sau đó, Bộ Công thương duyệt thiết kế công nghệ còn chúng tôi không tham gia vào trực tiếp thẩm định công nghệ của Formosa” - ông Nam khẳng định.
Liên quan đến trách nhiệm của Bộ KHCN trong việc thẩm định công nghệ của Formosa sau thảm họa môi trường, bà Trần Thị Tuyết Nhung - Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ (Bộ KHCN) cho biết: “Giai đoạn thẩm định công nghệ chi tiết là do Bộ Công thương thực hiện. Việc Formosa đánh giá và xem xét thay đổi công nghệ là do Bộ Công Thương cho phép chuyển đổi để không ảnh hưởng đến môi trường. Riêng đối với Formosa, Bộ KHCN không thẩm định hồ sơ nên trách nhiệm hoàn toàn thuộc về… Bộ Công Thương”.
Trong khi đó ông Nguyễn Mạnh Quân - nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) - đơn vị được giao trách nhiệm tham mưu giúp bộ trưởng thẩm định dự án Formosa thì cho rằng, Luật Đầu tư nước ngoài trước đây (có hiệu lực trước thời điểm 1.7.2015) cho phép chủ trương phân cấp mạnh trong đầu tư. Các dự án không phân biệt quy mô đầu tư, nếu đầu tư vào khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất thì trưởng ban quản lý KCN - KCX được quyền cấp phép; nếu là dự án ngoài KCN thì chủ tịch UBND tỉnh cấp phép. Như vậy, dự án của Formosa khi đó vào Hà Tĩnh được Hà Tĩnh “trải thảm đỏ” thu hút đầu tư là chuyện đương nhiên. Sau khi có nhiều ý kiến cho rằng, việc cấp phép của Hà Tĩnh là vượt thẩm quyền thì khi đó, bằng một văn bản trình Chính phủ, UBND tỉnh Hà Tĩnh mới báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cho phép.
“Tôi nhớ trước đó, vào thời gian này một số dự án đầu tư vào lĩnh vực thép, như của Posco (Hàn Quốc) thì sau đó chuyển địa điểm đầu tư vào Vân Phong (Khánh Hòa), Tata của Ấn Độ thì yêu cầu phải tham gia từ khâu tuyển quặng, chỉ có Formosa là kiên trì dự án và đầu tư với số vốn hồi đó được xem là lớn nhất từ trước đến nay vào ngành thép. Chính vì vậy, chủ trương lúc đó gần như không thẩm định dự án, mà tự chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan, kể cả công nghệ. Báo cáo thiết kế cơ sở dự án được chuyển cho các bộ cho ý kiến, chứ không phải là thẩm định, vì vậy, Bộ Công Thương đã có văn bản đánh giá về dự án, trong đó cũng lưu ý cả vấn đề môi trường, bởi công nghệ khi Formosa xin đầu tư là công nghệ khô, sau này tự ý họ chuyển sang công nghệ ướt, nhưng các bộ ngành cũng không có ý kiến” - ông Quân nói.
Lỗ hổng lớn trong cấp phép đầu tư cho Formosa
Sau nhiều ngày đặt câu hỏi, lãnh đạo Bộ TNMT không bình luận về câu chuyện quá khứ, trong khi đó ngày 27.7, khi P.V Báo Lao Động liên hệ với TS Nguyễn Khắc Kinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Thẩm định và đánh giá tác động môi trường, người ký phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Formosa ngày 30.6.2008 để phỏng vấn các vấn đề xung quanh việc xét duyệt dự án này, ông Kinh cho biết, đang làm việc và “không trả lời bất kể ai, dịp này tôi không trả lời báo, các cơ quan quản lý nhà nước đang xử lý tôi không muốn làm rối lên và tôi không trả lời qua điện thoại vì viết không chuẩn xác, người ta lại hiểu sai”. Khi P.V xin gặp thì ông Kinh cho biết, đang ở Nha Trang còn khi P.V xin địa chỉ để báo cử người gặp trực tiếp phỏng vấn thì ông Kinh nói tối sẽ đi tỉnh khác.
Dù đang tìm cách né tránh các câu hỏi liên quan tới trách nhiệm thẩm định ĐTM của Formosa nhưng ông Kinh lại đã hơn 1 lần thừa nhận việc xét duyệt ĐTM các dự án trong đó có Formosa được thực hiện chủ yếu “trên giấy”. Ông này từng nhận định “nhiều cái (ĐTM) không bằng lòng lắm nhưng cuối cùng cũng cho qua. Do trình độ, sức ép về kinh tế là một phần, nhưng cơ bản là “sự gửi gắm” của “ông to, bà lớn” yêu cầu châm chước cho các dự án, khuyến khích đầu tư của tỉnh nhà... thành ra các sở không dám làm “găng” và quan trọng hơn cả là đơn vị đứng ra thẩm định không có trình độ tương xứng”.
Còn về dự án Formosa, ngày 20.7.2016 ông Kinh thừa nhận với báo chí “Đúng là ĐTM của dự án Formosa sơ sài nhưng lúc đó tất cả các ĐTM khác đều thế cả. Vì sao sơ sài? Lâu nay tôi vẫn lưu ý, tiếng Việt dịch là báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng thực ra đó là dự báo tác động môi trường. Đã là khoa học dự báo thì không bao giờ chính xác 100%”.
Ông này cũng cho hay “luật khi ấy quy định, ĐTM làm căn cứ phê duyệt chủ trương đầu tư nên thông tin dự án lúc ấy rất sơ sài, chưa có thiết kế cơ sở, chưa rõ công nghệ, nguyên vật liệu đầu vào... Thông tin về môi trường cũng rất thiếu thốn. Quy định là chủ dự án phải đi điều tra, đánh giá môi trường nhưng nói thật là chủ dự án có đi làm cũng không tin được trong khi số liệu của cơ quan nhà nước thì không có hoặc què quặt, không đồng bộ, không sử dụng được”.
Dù là người ký phê duyệt bản ĐTM đó nhưng ông này khẳng định, “không trực tiếp tham gia thẩm định ĐTM của dự án này” mà khi hội đồng thẩm định đã phê duyệt ĐTM của dự án, ông được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường là ông Mai Ái Trực ủy quyền ký ban hành. “Khi ký ban hành tôi rất băn khoăn. Báo cáo ĐTM này cực kỳ nhiều cái không rõ nhưng hội đồng vẫn phê duyệt nên tôi càng băn khoăn” ông này nói.
Đường ống xả thải của Nhà máy Formosa. Ảnh: T.L
UBND Hà Tĩnh phải chịu trách nhiệm lớn nhất, nhưng…
Ông Lê Đình Ân - nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: “Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Kế hoạch Đầu tư không thể đổ cho một mình Hà Tĩnh chịu”. Ông Ân nói: “Quy định về đầu tư đã phân cấp cho địa phương, nhưng dù phân cấp, thì các bộ, ngành liên quan vẫn phải có trách nhiệm thẩm định trong lĩnh vực bộ được phân công quản lý, chứ không thể thoái thác đẩy hết trách nhiệm cho địa phương. Bộ KHĐT vẫn phải chịu trách nhiệm về quản lý nhà nước về đầu tư trực tiếp nước ngoài, chứ không thể phân cấp cho địa phương (Hà Tĩnh - P.V) rồi là có thể thoái thác trách nhiệm này. Quản lý các dự án đầu tư nước ngoài về quản lý nhà nước là trách nhiệm của Bộ KHĐT; còn vấn đề quản lý về môi trường là trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Cả 2 bộ này đều phải có trách nhiệm, không thể đổ cho một mình Hà Tĩnh chịu. Tất nhiên, khi địa phương quyết định cấp phép đầu tư, thì địa phương vẫn phải chịu trách nhiệm chính, vì là đơn vị cấp phép.
Bất cập trong “vấn đề Formosa” gồm 2 vấn đề. Thứ nhất là vấn đề phân cấp quản lý mà không có chế tài, dẫn đến việc đến giờ này không ai chịu trách nhiệm chính. Trong thời gian qua, chúng ta đã phân cấp quản lý việc cấp phép theo dạng “thả ra đấy” mà chưa có chế tài để xử lý. Đến khi “xảy ra việc” thì đổ lỗi cho nhau mà không ai đứng ra chịu trách nhiệm.
Thứ hai, là dù phân cấp quản lý nhà nước thì lĩnh vực thuộc bộ/ngành nào bộ/ngành đó phải chịu trách nhiệm.
Về việc ông Võ Kim Cự cấp giấy phép đầu tư cho dự án Formosa, ngay từ đầu nhiều người đã phản đối. Điều này phản ánh sự bất cập về khả năng quản lý, ông Võ Kim Cự chưa nhìn ra được vấn đề sâu xa của Formosa. Điều kỳ lạ là ông Võ Kim Cự đã đồng ý cấp giấy phép cho Formosa, trong khi trước đó, Formosa đã bị “đuổi” khỏi Campuchia”.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương: Formosa đâu phải tự đến để ký với ông Võ Kim C
Cơ quan chức năng cần phải làm rõ việc tại sao lại cho thuê 70 năm chứ không phải 50 năm theo quy định. Ông Võ Kim Cự lý giải là luật cho phép thì không sao, nhưng luật không có quy định, không cho phép thì sai lầm đó hết sức nghiêm trọng.
Ông Cự cũng ân hận khi không lường trước hết những tình huống có thể xảy ra. Còn cái gì trong vòng kiểm soát mà anh để xảy ra vi phạm thì anh phải chịu trách nhiệm.
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai): Vụ Formosa, cần xem xét lại những cơ quan liên quan. Ông Cự cho rằng đã có những cơ quan có thẩm quyền quyết định thì tỉnh mới cấp phép cho Formosa, tôi nghĩ rằng điều này chúng ta nên xem xét thật kỹ trên cơ sở hệ thống hồ sơ.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh): Thanh tra đã kết luận Hà Tĩnh cấp phép cho Formosa 70 năm là sai.
Trước mắt tôi thấy việc kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc cấp phép là sai thì cho đến nay chưa có văn bản nào bác bỏ. Thủ tướng có xem xét và đồng ý với điều đó là việc xem xét sau này của Thủ tướng và như vậy cũng không có nghĩa là tỉnh được cấp phép 70 năm, như vậy là vượt quyền của cấp tỉnh. X.H
Suckhoecuocsong.com.vn (Theo Lao động)