Lái xe lạ cần làm những gì?
Ghi nhớ vị trí các nút điều khiển, ước lượng kích thước xe cũng như sức mạnh động cơ xe là những thứ lái xe cần làm quen khi cầm lái 1 chiếc xe lạ.
Không đơn giản như xe máy với cách vận hành và lái các loại xe gần tương tự nhau, mỗi chiếc ô tô bạn ngồi lên là 1 thế giới riêng biệt. Dù tay lái còn trẻ hay đã nhiều kinh nghiệm cũng không tránh khỏi tình trạng bỡ ngỡ khi ngồi sau vô lăng 1 chiếc xe lại mình chưa lái thử bao giờ. Để làm chủ xe lạ, các tài xế nên chủ động nắm bắt 1 số thông tin cơ bản về xe cũng như điều chỉnh xe thích hợp sao cho hành trình bạn đồng hành cùng chiếc xe trở nên an toàn, thoải mái nhất.
Mỗi loại xe có một đặc điểm, một cách lái khác nhau.
Ước lượng kích thước xe, tầm nhìn gương
Ngoài việc nhận biết xe là số sàn hay số tự động (điều hiển nhiên cần phải biết cho tài xế đã có bằng lái), người điều khiển xe nên đi 1 vòng quanh xe và ước lượng kích thước cũng như tầm nhìn khi ngồi trong khoang lái, nếu cần có thể lái thử với tốc độ 5 – 10km/h để test xe. Khi ngồi ở ghế lái hãy chỉnh ghế để vừa tầm nhìn, tầm chân đạp cũng như tầm tay tới vô lăng sao cho thoải mái nhất. Chỉnh gương chiếu hậu và gương bên sao cho phù hợp với tầm nhìn.
Điều chỉnh gương chiếu hậu, ghế ngồi… sao cho phù hợp.
Làm quen với vô lăng, chân ga, chân phanh
Làm tốt được thao tác này sẽ tránh cho bạn những rủi ro không đáng có. Ga, phanh và đánh lái đều là các thao tác cơ bản để điều khiển xe. Tuyệt đối không lái xe lạ như lái xe mình, tránh tình trạng đạp ga vọt lên gây tai nạn không đáng có. Chạy thử 5-10 phút để thử độ nhạy và đàn hồi của chân ga/phanh cũng như độ nặng của vô lăng. Thêm nữa, lái xe có động cơ 1.8L hay 2.0L khác với xe 3.0L hay cao hơn khá nhiều, đặc biệt là khi đi đường dài/cao tốc, vậy nên hãy lưu ý. Đây là bước khá nhiều tay lái trẻ chủ quan không để ý đến dẫn đến khá nhiều trường hợp “hôn” đuôi xe trước hoặc bị xe sau “hôn”.
Nên làm quen với chân ga, phanh và vô lăng để lái xe “mượt” hơn.
Làm chủ bảng điều khiển
Tuy chỉ là yếu tố phụ bởi chỉ cần biết ga, phanh (và sang số nếu xe số sàn) là có thể đưa xe chạy bình thường nhưng chắc bạn không muốn cứ cần tìm đến tiện ích gì là lại phải lần mò tìm hiểu trong khi đang lái xe chứ? Các nút bấm trên vô lăng, khóa cửa, điều khiển kính, đèn, xi nhan, gạt mưa… là khá tương đồng trên các dòng xe nhưng những tiện ích còn lại thì mỗi hãng 1 kiểu, thậm chí mỗi mẫu 1 kiểu. Đối với những xe có nhiều công nghệ, tài xế không quen có thể phải mất đến 1 tiếng đồng hồ để làm quen với bảng điều khiển. Tốt nhất nếu có dịp nên hỏi thẳng chủ xe về các tiện ích, các núm điều khiển mà nhìn qua mình bạn không hiểu.
Tìm hiểu bảng điều khiển trước khi lái (ảnh: bảng điều khiển của Maybach Exelero 2005).
Quang Phong - Skcs.vn (tổng hợp)