Khám phá tiềm thức con người qua giấc mơ
Phương pháp mới giúp nghiên cứu sâu về tiềm thức con người đã bắt đầu xuất hiện giúp chúng ta khám phá sự kỳ bí của những giấc mơ.
Trung bình chúng ta dành khoảng 6 năm cuộc đời chỉ để nằm mơ. Khoảng thời gian này tương đương với 2.190 ngày hoặc 52.560 giờ. Mặc dù chúng ta có thể cảm nhận được những cảm xúc và ý thức mà chúng ta trải qua trong mơ, nhưng loại ý thức này lại rất khác biệt so với lúc chúng ta tỉnh giấc. Điều này giúp giải thích lý do tại sao thỉnh thoảng chúng ta lại không thể nhận ra rằng mình đang ở trong mơ vì chúng quá mức sinh động và giống y như thực tế.Phương pháp mới giúp nghiên cứu sâu về tiềm thức con người đã bắt đầu xuất hiện giúp chúng ta khám phá sự kỳ bí của những giấc mơ.
Giấc mơ sáng suốt
Giấc mơ sáng suốt (lucid dream) là một giấc mơ mà trong đó người mơ biết rằng mình đang mơ. Thuật ngữ này được đặt ra bởi nhà văn, bác sĩ tâm thần người Hà Lan Frederik van Eeden. Trong một giấc mơ sáng suốt, người mơ có thể sử dụng một vài cấp độ trong việc kiểm soát vai trò của mình bên trong giấc mơ hoặc có thể điều khiển môi trường mơ.
Họ thậm chí có thể kiểm soát hành động và ý định của mình trong thế giới giấc mơ tương tự như trong bộ phim Inception. Nói một cách khác, họ có thể bay lượn, tạo ra phép thuật, thay đổi hình dạng của chính bản thân mình và thế giới trong mơ tùy theo ý muốn của họ.
Giấc mơ sáng suốt là một trong những hiện tượng mà các nhà khoa học vẫn chưa thể giải thích thấu đáo.
Khoảng một nửa trong số chúng ta sẽ trải qua ít nhất một lần giấc mơ sáng suốt trong cuộc đời. Hiện tượng này chắc chắn sẽ để lại cho bạn ấn tượng cực kì sâu sắc vì nó cho phép chúng ta thỏa mãn những ao ước thầm kín trong lòng, ví dụ như gặp được người yêu mà mình mong đợi hay hóa thân vào một trận chiến giữa các phù thủy
“ Giấc mơ sáng suốt” vẫn còn là một chủ đề chưa được nghiên cứu sâu. Những tiến bộ gần đây cho thấy đó là một trạng thái pha trộn giữa ý thức của lúc tỉnh và ý thức trong lúc mơ.
Bóng đè trong mơ hay “Tê liệt khi ngủ” (sleep paralysis)
Hiện tượng này thường đi kèm với ác mộng và tê liệt toàn thân. Đây là một hiện tượng cũng không kém phần ly kì có thể xảy ra trong lúc ngủ hay còn gọi là “bóng đè”. Cùng với đó là sự rối loạn trong cảm xúc và nhận thức không biết mình đang mơ hay đang tỉnh..
Những hiện tượng nêu trên có cùng một điểm chung, đó là sự gia tăng bất thường của ý thức trong trạng thái ngủ. Để tìm hiểu thêm về quá trình chuyển đổi giữa các trạng thái (tỉnh táo - ngủ mê, ý thức - tiềm thức), các nhà khoa học đã thực hiện một cuộc khảo sát với quy mô lớn nhằm xem xét mối quan hệ giữa những trạng thái ý thức bị trộn lẫn phức tạp như mơ sáng suốt hay bóng đè.
Nghiên cứu đã cho thấy, những người thường có giấc mơ sáng suốt sẽ có xu hướng sâu sắc và nhìn thấy rõ bản chất của vấn đề hơn những người bình thường khi sống trong thực tế. Những người trải qua những giấc mơ sáng suốt cũng cho biết họ đã kiểm soát tốt hơn những suy nghĩ và hành động trong mơ, đồng thời có khả năng suy nghĩ logic và dễ dàng nhớ lại những kí ức quá khứ hơn khi trở về với đời sống thực tại.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, trong cấu trúc não có những vùng khác nhau phụ trách tạo ra những giấc mơ sáng suốt và những giấc mơ thông thường. Tuy nhiên, việc xác định giả thuyết này là rất khó khăn vì những người tham gia thí nghiệm phải mang máy quét não cả đêm nhưng hơn hết là tỷ lệ xuất hiện của những giấc mơ sáng suốt rất hiếm hoi.
Để các nhà khoa học có thể xác định được liệu người tham gia thí nghiệm đang mơ giấc mơ bình thường hay là giấc mơ sáng suốt, họ thường phải xem xét chuyển động mắt của những người tham gia thí nghiệm trong khi họ đang ngủ. Thông thường những người đang có giấc mơ sáng suốt sẽ có chuyển động mắt khá lạ, hai lần sang trái và sau đó là hai lần sang phải.
Bằng cách sử dụng phương pháp này, các nghiên cứu đã nhận thấy rằng quá trình chuyển đổi từ giấc mơ thông thường sang giấc mơ sáng suốt có liên quan đến sự gia tăng bất thường trong hoạt động ở vùng não phía trước trán. Đáng chú ý là khi những người thí nghiệm đang có giấc mơ sáng suốt thì những vùng não quyết định những chức năng nhận thức cấp độ cao như lý luận logic và hành vi đúng đắn cũng hoạt động mạnh mẽ như khi ho đang thức tỉnh.
Một số phương pháp nghiên cứu hoạt động khác của não như nghiên cứu sóng gamma đã cho thấy các khía cạnh khác nhau trong ý thức và tiềm thức như kinh nghiệm, nhận thức, cảm xúc, suy nghĩ, và những kỷ niệm đã trói buộc chằng chịt với nhau tạo thành một ý thức tích hợp. Ý thức này giúp giữ chúng ta sáng suốt trong khi đang mơ.
Làm thế nào mà ý thức và tiềm thức có thể phát sinh trong não bộ là một trong những câu hỏi rắc rối nhất trong lĩnh vực khoa học thần kinh. Nhưng bằng việc nghiên cứu những giấc mơ sáng suốt, chúng ta có thể có thể mở ra những hiểu biết mới về lĩnh vực vẫn còn nhiều bí ẩn này.
Khám phá tiềm thức con người qua giấc mơ
Suckhoecuocsong.com.vn(Theo Khampha/sciencealert)