Hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam 9/11

09/11/2014 02:23

Ngày 9/11 ngày ban hành Hiến pháp năm 1946 là ngày Pháp luật Việt Nam.

Năm 2012, Quốc hội đã thông qua Luật phổ biến giáo dục pháp luật, theo đó lấy ngày 9/11 – ngày ban hành Hiến pháp năm 1946 là ngày Pháp luật Việt Nam.

Ý nghĩa ngày Pháp luật Việt Nam

Ngày Pháp luật Việt Nam ra đời nhằm khẳng định vị trí, vai trò của Hiến pháp, pháp luật trong quản lý nhà nước và đời sống xã hội, giáo dục cán bộ, công nhân viên chức và người dân ý thức tôn trọng, chấp hành, bảo vệ và hiểu những lợi ích của việc chấp hành pháp luật. Qua đó, tuyên truyền, phổ biến các quy định của Hiến pháp, pháp luật thiết thực đến với đời sống nhân dân, gắn với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị và vận động nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.

Việc tổ chức kỷ niệm ngày pháp luật Việt Nam (9/11) hàng năm nhằm nâng cao nhận thức của người dân và toàn thể xã hội về mục đích và ý nghĩa của pháp luật. Trên tinh thần này, mỗi cán bộ, công chức, Đảng viên cần phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, tự giác tìm hiểu để nâng cao nhận thức và hiểu biết về Hiến pháp và Pháp luật gắn với nhiệm vụ chuyên môn; mỗi cá nhân cần tích cực, chủ động tìm hiểu Hiến pháp và Pháp luật để thi hành cho đúng, góp phần tạo chuyển biến trong ý thức và lối sống xã hội.

Vai trò của pháp luật qua từng thời kỳ

Trên thực tế, pháp luật là nhân tố quan trọng để điều chỉnh các quan hệ xã hội, là phương tiện để Nhà nước quản lý chặt chẽ các lĩnh vực của đời sống – xã hội và thực hiện chức năng cũng như quyền lực của mình. Pháp luật đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với nhà nước xã hội bởi nó là công cụ, là cơ sở pháp lý để tổ chức và hoạt động nhà nước xã hội đi theo hướng phát triển bền vững, lâu dài vì sự tồn tại và phát triển chung của mỗi con người cùng toàn xã hội. Bên cạnh đó, pháp luật đồng thời cũng là phương tiện bảo vệ lợi ích cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động, là công cụ để bảo vệ công lý, công bằng xã hội.

Vai trò của pháp luật thậm chí đã được quan tâm và đầu tư thực hiện trong lịch sử hàng nghìn năm tồn tại và phát triển của các nhà nước phong kiến Việt Nam. Có thể thấy rõ hệ thống các bộ luật và văn bản pháp luật từ thời xưa như: bộ luật Hình thư (thời Lý), Quốc triều Hình luật (thời Trần), bộ luật Hồng Đức (thời Lê) và bộ luật Gia Long (thời Nguyễn). Đây là những bộ luật cổ tiêu biểu nhất được xây dựng và ban hành trong từng thời kỳ lịch sử của Việt Nam.

Trước tiên, bộ luật Hình thư được đánh giá là một cột mốc quan trọng trong lịch sử lập pháp Việt Nam. Qua những ghi chép trong sử cũ, bộ luật có quy định về tổ chức của triều đình, quân đội và hệ thống quan lại; quy định các vấn đề về sở hữu và mua bán đất đai, tài sản hay quy định về thuế… Sang đến thời Trần, ngoài việc kế thừa những quy định có từ thời Lý, Quốc triều Hình luật đã có thêm những bổ sung và điều chỉnh nhất định, đặc biệt là quy định về hình phạt, thủ tục tố tụng và chế độ tư hữu tài sản, đất đai.

Bộ luật quan trọng thứ ba trong lịch sử là bộ luật Hồng Đức được ban hành vào thời Lê. Bộ luật này được hình thành trên cơ sở sưu tập tất cả các điều luật có trong các văn bản pháp luật đã ban bố và thi hành ở các thời vua trước nhưng đã được sửa chữa và bổ sung thêm cho hoàn chỉnh. Ngoài những quy định chung, bộ luật còn quy định các vấn đề cụ thể như hành chính, hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, tố tụng… Sau khi triều Lê suy yếu thay vào đó là sự thành lập của triều Nguyễn, để củng cố lại chế độ phong kiến, vua Gia Long đã biên soạn một bộ luật mới mang tên Hoàng Việt Luật lệ (bộ luật Gia Long). Theo đó, bộ luật đã quy định về tổ chức nhà nước và hệ thống quan lại (lại luật); quy định về tội danh và hình phạt (hình luật); quy định về quản lý dân cư và đất đai (hộ luật); quy định về ngoại giao và nghi lễ cung đình (lễ luật); quy định về tổ chức quân đội và quốc phòng (binh luật); quy định về xây dựng và bảo vệ đê điều, lăng tẩm (công luật).

Các bộ luật trên đều được ban hành để phục vụ yêu cầu quản lý, điều hành quốc gia của các triều đại và đã thực sự làm tốt vai trò của mình trong xã hội đương thời. Mặc dù khác nhau về thể chế chính trị, nhưng các bộ luật cổ có rất nhiều giá trị đối với nhà nước đương đại của chúng ta trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền và xây dựng xã hội dân chủ, văn minh.

Ngoài những quy định về hành chính, xã hội, các bộ luật thời xưa và hiện tại còn có những giá trị về tính tiến bộ và tính nhân văn sâu sắc. Điều này được thể hiện qua các vấn đề như: hạn chế và xử phạt những hành vi tham nhũng của cán bộ nhà nước, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân; bảo vệ sức lao động, bảo vệ người già và trẻ em, giúp đỡ những người tàn tật, những người có hoàn cảnh khó khăn, tôn trọng phong tục và văn hóa của các dân tộc thiểu số; chú ý đến quyền lợi và thân phận của người phụ nữ; đề cao và bảo vệ các giá trị đạo đức tốt đẹp của con người…

Ngày Pháp luật Việt Nam là sự kiện có ý nghĩa chính trị - pháp lý quan trọng của đất nước nhằm nâng cao nhận thức về Hiến pháp và Pháp luật cũng như ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

Thanh Huyền – Skcs.vn

 

Các tin khác

Tối ưu nguồn năng lượng để bảo vệ môi trường

Điều kiện, giấy tờ cần có để lên máy bay từ ngày 10/10

Hà Nội cho phép thể dục ngoài trời, mở cửa trung tâm thương mại, thời trang, hóa mỹ phẩm

Quy trình cấp giấy đi đường tại Hà Nội từ ngày 6/9 theo hướng dẫn của Công An Tp Hà Nội

Danh sách số điện thoại hỗ trợ nhu yếu phẩm tại TP.HCM

Sự khác nhau giữa Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng, Chỉ thị 10 của TP Hồ Chí Minh trong dịch COVID-19

Khủng khiếp: Đồ chơi LEGO có thể tồn tại 1.300 năm dưới đại dương

Quản lý và xử lý chất thải rắn

Đoàn Thị Hương đã được trả tự do, chuẩn bị về nước

Hội nghị thưởng đỉnh Mỹ - Triều lần 2: Không đạt được thỏa thuận, Tổng thống Mỹ ra sân bay về nước