Hiểu về đèn flash để có những bức hình đẹp
Đèn flash là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc chụp ảnh ban đêm hay khi chói sáng.
Đối với những người chụp ảnh nghiệp dư, đôi khi những bức hình chỉ là để ghi lại những khoảnh khắc tại thời điểm đó. Vì là nghiệp dư nên có người thì thường xuyên dùng đèn flash, có người lại không bao giờ biết bật nó ở đâu vì chẳng hiểu dùng đèn flast để làm gì?
Mặc dù đối với dân chuyên nghiệp đèn flash là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc chụp ảnh ban đêm hay khi chói sáng, nhưng không phải lúc nào đèn flash cũng tỏ ra hiệu quả, đặc biệt với đèn flash yếu và những người không biết sử dụng nó.
Làm xấu da
Sử dụng đèn flash chuyên nghiệp để chụp ảnh hoàn toàn có thể giúp làn da trở nên trắng sáng, mịn màng hơn. Thế nhưng với đèn flash theo máy (máy ảnh, smartphone), trong nhiều trường hợp nó chỉ khiến ảnh chụp bị ám vàng hơn. Trường hợp đèn flash đánh không hợp lý thì còn có thể khiến phần da gò má của đối tượng bị bóng lên rất không đẹp mắt.
Làm mất ánh đèn lung linh
Khi đứng kế bên một dãy đèn LED đang sáng lấp lánh, nếu chụp ảnh với đèn flash thì màu sắc của các bóng đèn LED kia có thể sẽ bị nhạt đi trông thấy. Trong khi đó, nếu biết điều chỉnh tốc độ màn chập, ISO,… phù hợp thì bạn sẽ nhận được một bức ảnh lung linh hơn rất nhiều.
Bị hiệu ứng đổ bóng
Nhìn kỹ những bức ảnh chụp với đèn flash dù vào ban ngày hay ban đêm thì bạn cũng sẽ dễ dàng nhận ra hiệu ứng đổ bóng, có thể làm xấu chi tiết bức ảnh. Một số nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp thường khuyên người dùng không nên lạm dụng đèn flash khi không thật sự cần thiết, song nhiều người vẫn thường xuyên tận dụng nó ngay cả khi môi trường chụp đủ sáng.
Gây hiệu ứng mắt đỏ
Mặc dù hiệu ứng mắt đỏ đã có thể được xử lý dễ dàng thông qua các công cụ biên tập hình ảnh từ cơ bản tới chuyên nghiệp. Song tốt hơn hết bạn hãy chú ý tới vấn đề này để cho ra một bức ảnh đẹp tự nhiên mà không qua chỉnh sửa.
Hãy thận trọng khi dùng đèn flash
Hiểu rõ các chế độ của đèn flash
Có những số máy ảnh KTS sở hữu nhiều hơn 1 chế độ đèn flash chứ không đơn thuần là bật và tắt. Có thể kể 1 vài chế độ như tự động, Fill Flash, chống mắt đỏ, đồng bộ chậm… Khi nắm bắt được các chế độ đèn flash, bạn sẽ chụp được những bức ảnh rất ưng ý.
Khi nào nên dùng flash gắn ngoài
Đèn flash tích hợp của máy ảnh thường có tầm hoạt động rất hạn chế. Đa số sẽ chỉ chiếu sáng được vật thể trong khoảng 3 mét. Nếu như bạn muốn chụp những khung cảnh ở xa thì nên mua thêm đèn flash gắn ngoài bởi chúng có thể rọi sáng được trong khoảng 10 mét trở lên. Chỉ những máy ảnh có chân cắm đèn flash ngoài mới có thể gắn thêm được, vì thế hãy kiểm tra kĩ trước khi mua.
Nảy bật ánh sáng
Đôi khi chụp mà chiếu đèn flash vào chủ thể khiến các bức ảnh rất xấu, như thể chụp ảnh... tội phạm. Nếu như sử dụng flash gắn ngoài thì bạn có thể nảy bật sáng để giảm nhẹ cường độ ánh sáng. Hãy chiếu đèn flash lên trần nhà rồi từ đó ánh sáng sẽ nảy bật vào chủ thể hoặc có thể mua miếng nảy bật sáng như hình dưới.
Rọi sáng 1 căn phòng lớn
Bạn sẽ cần có 1 flash gắn ngoài nếu thường xuyên chụp những căn phòng lớn. Đừng gắn flash vào máy, bạn chỉ cần bật đèn lên và cầm trên tay. Đặt máy ảnh lên chân tripod rồi để ở chế độ phơi sáng lâu như 30 giây chẳng hạn. Sau đó hãy đi xung quang phòng, rọi đèn flash vào các vùng khác nhau của căn phòng. Đừng để máy ảnh chụp được hình cái đèn và cũng đừng bao giờ rọi sáng vào máy ảnh.
Giảm tốc độ màn trập để chụp được cả nền
Tăng tốc độ ISO là một biện pháp giúp chụp được khung cảnh tối khi bạn không muốn dùng flash. Tuy nhiên điều đó sẽ dẫn tới việc gây nhiễu bức ảnh. Chúng ta có thể dùng cách này, đó là giảm tốc độ màn trập xuống. Khi làm vậy, máy ảnh của bạn sẽ chụp được nhiều ánh sáng trong phòng hơn.
Một khi đã làm chủ được đèn flash thì cho dù chỉ cần máy ảnh bình thường, bạn sẽ vẫn có thể tạo ra những bức hình mà người khác phải ghen tị.
Skcs.vn (tổng hợp)