Dùng iPhone khóa mạng có bất lợi gì?
Thời gian gần đây, iPhone 5c phiên bản khóa mạng từ Nhật về (iPhone 5c Lock) đang tạo nên một cơn sốt ở thị trường smartphone qua sử dụng ở Việt Nam. Chiếc smartphone này không chỉ có giá bán rẻ, chỉ khoảng 3,5 triệu đồng mà thiết kế và cấu hình vẫn không bị lỗi thời do mới ra mắt được hơn một năm. Tuy vậy, phiên bản khóa mạng có gì khác biệt với máy quốc tế, và liệu nó có đem lại những bất lợi nào cho người sử dụng hay không?
Về cơ bản, IPhone 5c lock Nhật có xuất xứ từ những nhà mạng ở Nhật như Softbank hay phổ biến nhất là Docomo. Tại thị trường này, nhà mạng tặng miễn phí iPhone 5c cho người dùng khi đăng ký hòa mạng, và bằng cách thu phí sử dụng hàng tháng, nhà mạng sẽ “thu hồi vốn” dần sau một thời gian nhất định. Khi đó, các thương lái sẽ nhập những thiết bị này về Việt Nam và bán ra dưới dạng máy Lock, nhiều chiếc thậm chí còn mới nguyên, chưa qua sử dụng. Để có thể sử dụng như bản quốc tế, người dùng cần sử dụng SIM ghép làm từ một bảng mạch nhỏ kết nối với thẻ SIM đang sử dụng nhằm “đánh lừa” iPhone rằng đây là SIM của nhà mạng bên Nhật.
Do phải dùng tới SIM ghép nên tính ổn định của mạng di động trên iPhone 5c Lock nói riêng hay iPhone Lock nói chung không thể nào so sánh được với máy bản quốc tế. Tỉ lệ mất sóng cao hơn, gọi điện, nhắn tin kém ổn định hơn là những trường hợp thường thấy dù các loại SIM ghép thế hệ mới đã hoàn thiện hơn việc sử dụng các tính năng cơ bản như iMessage hay Facetime, đồng thời không bắt buộc người dùng phải Jailbreak máy như trước đây nữa.
Một lựa chọn khác cho người mua là thay vì dùng SIM ghép, ta có thể thực hiện mở khóa bằng mã. Tuy nhiên, một số nhà mạng không hỗ trợ việc này, và chi phí để thực hiện mở khóa như vậy đều khá cao, lên tới vài triệu đồng trong khi thời gian để thực hiện lâu và tỉ lệ thành công không được đảm bảo.
iPhone bản Lock có nhiều ưu điểm nhưng cũng mang đến không ít phiền hà.
Thêm một điểm khá khó chịu với người dùng SIM trả trước đó là iPhone khóa mạng dùng với SIM ghép không thể truy cậy mã USSD *101# hay *100# để xem số dư tài khoản hay nạp tiền được. Thay vào đó, người dùng cần gọi tới các số 900, 901 (tùy nhà mạng) để nghe thông báo, khá bất tiện và rườm rà.
Có một số hướng dẫn khắc phục lỗi này nhưng đều yêu cầu người dùng phải thực hiện Jailbreak máy và chỉnh sửa trong hệ thống, có thể khiến cho thiết bị càng trở nên thiếu ổn định.
Ngoài ra, iPhone khóa mạng yêu cầu thiết lập số điện thoại trong danh bạ cần có mã vùng +84xxx của Việt Nam để máy có thể hiển thị đúng tên người gọi tới và tránh việc máy tự động gọi tới đầu số +819xxx là mã vùng của Nhật, trong khi đa số chúng ta đều quen với việc lưu số gọi đến là 0xxx.
Một lỗi khác ghi nhận được là máy iPhone dùng SIM ghép cần bật chế độ roaming (chuyển vùng) hoặc tắt/mở kết nối mạng LTE để máy nhận lại sóng 3G, người dùng mới có thể truy cập Internet. Do phải quét tìm mạng liên tục, iPhone khóa mạng sẽ tiêu tốn dung lượng pin nhanh hơn so với máy thông thường.
Ngoài ra, do quy định của nước sở tại nên các máy iPhone có xuất xứ từ Nhật Bản hay Hàn Quốc đều phát ra âm thanh khi chụp ảnh, nhằm tránh hiện tượng chụp lén. Dù vậy, người dùng khi chuyển qua sử dụng các thiết bị này có thể sẽ cảm thấy phiền toái khi bất cứ lúc nào chụp ảnh, máy cũng sẽ phát ra tiếng. Để khắc phục, người dùng cũng chỉ còn cách Jailbreak máy, sau đó cài tiện ích tắt âm chụp ảnh từ Cydia.
Tuy còn tồn tại khá nhiều khuyết điểm (mà hầu hết là gây khó chịu với người dùng) nhưng với mức giá chỉ khoảng 3.5 triệu đồng, iPhone 5C Lock vẫn là một sự lựa chọn sáng giá khi người dùng có thể "tậu" cho mình một chiếc iPhone không hề lỗi thời, lại có thiết kế trẻ trung và quan trọng là chất lượng sản phẩm phần lớn đều được đảm bảo.
Quang Phong - Skcs.vn (tổng hợp)