Điểm lại những sự kiện mang dấu ấn trong năm 2015

29/12/2015 09:49

Những sự kiện nổi bật mang dấu ấn lịch sử năm 2015

1. Đại hội Đảng các cấp thành công tốt đẹp

Đứng đầu là sự kiện đại hội đảng các cấp thành công tốt đẹp. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, xác định phương hướng nhiệm vụ và giải pháp phát triển Kinh tế-Xã hội, bầu ban chấp hành nhiệm kỳ 2015-2020 và là tiền đề quan trọng để tổ chức thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

2. Dấu mốc lịch sử của ASEAN

Trong hai ngày 21-22/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 27 và các hội nghị cấp cao liên quan tại Thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia.

Sáng 22/11, tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á  đã ký Tuyên bố Kuala Lumpur về việc thành lập Cộng đồng ASEAN 2015 và Tuyên bố Kuala Lumpur về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.

Trong Tuyên bố Kuala Lumpur về việc thành lập Cộng đồng ASEAN, các nhà lãnh đạo ASEAN tuyên bố chính thức thành lập Cộng đồng ASEAN vào ngày 31/12/2015. Tuyên bố khẳng định cam kết của các nước thành viên đối với Hiến chương ASEAN, phản ánh mong muốn và ý chí tập thể nhằm chung sống trong một khu vực hòa bình, an ninh và ổn định dài lâu, tăng trưởng kinh tế bền vững, thịnh vượng chung và tiến bộ xã hội.

3. Việt Nam và thỏa thuận lịch sử của COP 21

Sau 12 ngày đàm phán căng thẳng với nhiều cuộc thương lượng kéo dài suốt đêm, thỏa thuận Hội nghị thượng đỉnh khí hậu thế giới COP 21 (Thỏa thuận Paris), thông qua ngày 12/12, đã đi vào lịch sử với sự đồng thuận của 195 nước thành viên Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại COP 21, Paris, Pháp. 

Dẫn đầu Đoàn cấp cao Việt Nam dự Hội nghị, trong phát biểu của mình tại phiên khai mạc COP 21, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị: Nội dung Thỏa thuận cần bảo đảm sự đóng góp công bằng giữa các quốc gia và có sự cân bằng trong các nội dung về giảm nhẹ, thích ứng, tài chính, phát triển và chuyển giao công nghệ. Các nước phát triển cần đi đầu trong thực hiện cam kết của mình, đồng thời hỗ trợ và tăng cường năng lực cho các nước đang phát triển để cùng nhau thực hiện thành công Thỏa thuận này.

Phát biểu của Thủ tướng cũng đã thể hiện trách nhiệm rất rõ ràng của Việt Nam đối với cộng đồng thế giới.

Cụ thể đối với giai đoạn sau năm 2020, mặc dù là một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn, chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, Việt Nam vẫn cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế.

Việt Nam cũng đóng góp 1 triệu USD vào Quỹ Khí hậu xanh giai đoạn 2016-2020, trong điều kiện khó khăn về nguồn lực. Qua đó thể hiện sự nghiêm túc, trách nhiệm của Việt Nam khi thực hiện các nghĩa vụ trong Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) và Nghị định thư Kyoto.

4. Dấu mốc lịch sử của ngoại giao nghị viện

Diễn ra từ 28/3-1/4 tại Hà Nội, Đại hội đồng IPU lần thứ 132 là một trong những sự kiện chính trị-ngoại giao lớn nhất mà Việt Nam từng đăng cai, thể hiện tinh thần chủ động của một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Hơn 1.600 đại biểu đến từ hơn 160 nghị viện thành viên IPU, các thành viên liên kết, các quan sát viên và nhiều tổ chức quốc tế đã có mặt tại Hà Nội, cùng nhau thảo luận nhiều vấn đề quan trọng của nghị viện, đặc biệt là chủ đề chung “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động”. Đây là chủ đề hết sức thiết thực do Việt Nam đề xuất và nhận được sự nhất trí cao của tất cả lãnh đạo nghị viện, nghị sĩ, khách mời của IPU-132.

5. Tăng trưởng GDP 2015 cao nhất 8 năm qua

Tăng trưởng GDP cao nhất trong 8 năm qua (trên 6,6%) và cao hơn mức 6,2% do Quốc hội đề ra; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp (0,63%); an sinh xã hội nhìn chung được bảo đảm.

Tăng trưởng GDP 2015 cao nhất 8 năm qua.

Tăng trưởng kinh tế năm nay được đóng góp chủ yếu bởi khu vực công nghiệp và xây dựng với mức tăng 9,64%, cao hơn nhiều mức tăng 6,42% của năm trước. Khu vực dịch vụ tăng 6,33%, trong khi khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ tăng 2,41%, thấp hơn mức 3,44% của năm ngoái.

Tổng cục Thống kê đánh giá, cơ cấu nền kinh tế năm nay tiếp tục có sự chuyển dịch nhưng tốc độ chậm, trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 17%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33%; khu vực dịch vụ chiếm hơn 39,7%.

6. Đột phá về kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ

Bộ GTVT đã xây dựng và ban hành riêng một đề án Nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế để góp phần thực hiện thắng lợi đột phá phát triển kết cấu hạ tầng GTVT.

Theo Bộ GTVT, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trước hết để góp phần thực hiện thành công một trong ba khâu đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại.

Cùng với đó, thúc đẩy hợp tác quốc tế còn thu hút thêm nhiều nguồn vốn từ bên ngoài, trong đó đặc biệt chú trọng đến vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cho phát triển, quản lý và khai thác kết cấu hạ tầng GTVT, đồng thời hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, xây dựng chính sách, mở rộng thị trường.

7. Công nhận trò chơi Kéo co là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại

UNESCO ghi danh Di sản đa quốc gia Nghi lễ và trò chơi Kéo co (Việt Nam, Hàn Quốc, Phillipines và Campuchia) tại Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia xây dựng thành công hồ sơ di sản đa quốc gia.

8.  Bước đột phá cho ngành Du lịch

Chính phủ ban hành các Nghị quyết miễn thị thực có thời hạn cho công dân 6 nước Châu Âu vào Việt Nam, tạo bước đột phá cho ngành du lịch trong việc phát triển thị trường trọng điểm khách có mức chi tiêu cao.

9. Lần đầu tiên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia "2 trong 1"

Tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2015 "2 trong1".

Sau khi cải tiến kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đổi mới bước nữa: Tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2015 "2 trong 1".

Quyết định này đã phần nào giải tỏa bức xúc lâu nay về sự trùng lặp, chồng chéo giữa 2 kỳ thi quốc gia là tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ nhưng xét về mặt khoa học giáo dục, vẫn còn nhiều điều cần bàn.

10.  SEA Games 28 là kỳ SEA Games thành công nhất trong lịch sử Thể thao Việt Nam

Năm 2015 là một năm thành công đặc biệt của thể thao Việt Nam khi chúng ta đã bảo vệ vững chắc một vị trí Top 3 ĐNÁ bằng cách giành 73 HCV tại SEA Games 28 với 87% do công của các môn Olympic.

Tại SEA Games 28, Ánh Viên đã tỏa sáng rực rỡ theo cách vô cùng khó tin để trở thành một hiện tượng đột biến mà nhiều thập kỷ qua Việt Nam và nói rộng hơn cả thể thao ĐNÁ mới có. Năm 2015, siêu kình ngư này đã thực sự tạo nên những thành quả “khổng lồ” ngoài sức tưởng tượng.

Suckhoecuocsong.com.vn (Theo Đời sống pháp luật)

Các tin khác

Bảng Tra cứu TUỔI NGHỈ HƯU và THỜI ĐIỂM NGHỈ HƯU theo luật lao động mới từ 2025

Tối ưu nguồn năng lượng để bảo vệ môi trường

Điều kiện, giấy tờ cần có để lên máy bay từ ngày 10/10

Hà Nội cho phép thể dục ngoài trời, mở cửa trung tâm thương mại, thời trang, hóa mỹ phẩm

Quy trình cấp giấy đi đường tại Hà Nội từ ngày 6/9 theo hướng dẫn của Công An Tp Hà Nội

Danh sách số điện thoại hỗ trợ nhu yếu phẩm tại TP.HCM

Sự khác nhau giữa Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng, Chỉ thị 10 của TP Hồ Chí Minh trong dịch COVID-19

Khủng khiếp: Đồ chơi LEGO có thể tồn tại 1.300 năm dưới đại dương

Quản lý và xử lý chất thải rắn

Đoàn Thị Hương đã được trả tự do, chuẩn bị về nước