Đề xuất giám sát giao thông qua điện thoại di động vi phạm pháp luật và xâm phạm quyền riêng tư?

25/03/2015 13:48

 

Bên lề hội nghị, tiến sĩ Hùng cho hay, nếu như người dân kích hoạt ứng dụng công nghệ giao thông vào điện thoại, ô tô của họ đi nhanh hay chậm sẽ được gửi về hệ thống. Cứ như vậy, dữ liệu của hàng triệu người đang tham gia giao thông sẽ được gửi về hệ thống máy chủ và xử lý. Khi đó, các nhà quản lý sẽ có được trạng thái thực của giao thông cung cấp tới người dân.

 

Khi đó người dân có thể biết được các tuyến đường đang ùn tắc để tránh, hoặc vị trí cây xăng, nhà hàng gần nhất… thông qua Internet hoặc điện thoại.

 

 

Đề xuất sử dụng điện thoại di động để giám sát giao thông được ông Hùng đưa ra là khó khả thi

 

Theo tiến sĩ Trần Hữu Minh, ĐH Giao thông, nhận xét, giải pháp sử dụng công nghệ thông tin, dùng dữ liệu của điện thoại để cập nhật các tình huống giao thông, rồi truyền tải thông tin đến người dân để việc đi lại thuận tiện, tránh các sự cố trên đường là xu hướng đã được nhiều quốc gia phát triển. Việt Nam cũng cần có biện pháp chuyển thông tin giao thông đến cho người dân qua điện thoại, máy tính bảng.

 

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, mối lo ngại việc thu thập dữ liệu có thể xâm phạm đời tư là có cơ sở. Do vậy, các cơ quan quản lý phải thể chế hóa bằng các quy định như nghị định, thông tư để việc thu thập dữ liệu điện thoại, đảm bảo dùng công nghệ phục vụ phát triển xã hội song vẫn đảm bảo quyền thông tin cá nhân.

 

Ông Minh chia sẻ, trước đây, tại một số nước phát triển có tình trạng người dân phản ứng khi các doanh nghiệp thu thập dữ liệu cá nhân của người dân. Khi thu nhận dữ liệu từ điện thoại di động, chính quyền đã yêu cầu chỉ sử dụng thông tin chung của thuê bao, còn thông tin chi tiết không được công bố, như không thu thập thông số hành trình của chủ thuê bao trước 500 m và sau 500 m...

 

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng văn phòng luật sư Vì Dân, đánh giá, đề án lấy dữ liệu giao thông từ thuê bao di động là không phù hợp pháp luật Việt Nam. Vì thông tin cá nhân, thư tín là bí mật cá nhân bất khả xâm phạm đã được quy định trong Hiến pháp và Bộ Luật dân sự. Các dữ liệu này lại đang được lưu trữ và sử dụng qua điện thoại. Do vậy, nếu thu thập các dữ liệu từ điện thoại có thể sẽ xâm phạm quyền riêng tư của cá nhân. Hiện nay cơ quan chức năng chỉ được kiểm tra thông tin cá nhân khi người đó có vi phạm pháp luật.

 

 

Về mặt pháp lý có thể nói đề xuất này là vi hiến, không phù hợp pháp luật Việt Nam

 

"Không thể nói là nhà mạng chỉ lấy thông tin giao thông chung chung, khi điện thoại bị xâm nhập thì rất có thể bị lộ thông tin cá nhân. Học tập các nước trên thế giới là cần thiết song phải phù hợp với pháp luật Việt Nam", Luật sư Trần Đình Triển nói.

 

Luật sư Trần Vũ Hải cũng cho rằng, nếu nhà mạng chỉ thu nhập các dữ liệu phương tiện như những chấm trên bản đồ thì không vi phạm thông tin cá nhân, song nếu thu thập cụ thể từng số thuê bao, lộ trình đường đi của người đó thì phải xem xét kỹ.

 

"Chúng ta cần phải cụ thể hóa việc lấy dữ liệu điện thoại bằng luật pháp, nhà mạng chỉ được sử dụng dữ liệu vào mục đích gì, không được lấy các dữ liệu gì", Luật sư Hải nhận định.

 

Có cùng quan điểm, luật sư Hoàng Ngọc Giao chia sẻ mối lo ngại trước đề xuất “bất hợp lý và bất hợp pháp “của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia. Theo quan điểm của ông Giao, đề xuất này vi phạm nghiêm trọng hiến pháp về quyền riêng tư của mỗi công dân.

 

“Tại Điều 38 Bộ luật Dân sự 2005 quy định về quyền bí mật đời tư, trong đó điện thoại được đảm bảo an toàn và bí mật. Hiến pháp năm 2013 càng thể hiện rõ điều này. Bởi vậy, tôi không biết họ căn cứ vào đâu để đưa ra đề xuất như vậy. Nếu họ không giải trình được rõ ràng, cụ thể họ căn cứ vào quy định nào thì đề xuất này vô căn cứ về mặt pháp luật và không khả thi”, ông Giao khẳng định.

 

Luật sư Lê Văn Luân, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội cho rằng, đây là một sáng kiến độc đáo và táo bạo, nhưng nó vi hiến nghiêm trọng và không có tính khả thi.

 

Mặc dù đây mới chỉ là đề xuất, chưa có bất kỳ thông tin cụ thể nào nên người dân cũng khó có thể có ý kiến gì nhưng nhìn sơ bộ có thể thấy, việc “bị” giám sát, đi đến đâu cán bộ cũng biết, chắc chắn sẽ không được ủng hộ.

 

Quang Phong - Skcs.vn

Các tin khác

Bảng Tra cứu TUỔI NGHỈ HƯU và THỜI ĐIỂM NGHỈ HƯU theo luật lao động mới từ 2025

Tối ưu nguồn năng lượng để bảo vệ môi trường

Điều kiện, giấy tờ cần có để lên máy bay từ ngày 10/10

Hà Nội cho phép thể dục ngoài trời, mở cửa trung tâm thương mại, thời trang, hóa mỹ phẩm

Quy trình cấp giấy đi đường tại Hà Nội từ ngày 6/9 theo hướng dẫn của Công An Tp Hà Nội

Danh sách số điện thoại hỗ trợ nhu yếu phẩm tại TP.HCM

Sự khác nhau giữa Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng, Chỉ thị 10 của TP Hồ Chí Minh trong dịch COVID-19

Khủng khiếp: Đồ chơi LEGO có thể tồn tại 1.300 năm dưới đại dương

Quản lý và xử lý chất thải rắn

Đoàn Thị Hương đã được trả tự do, chuẩn bị về nước