Cụ rùa hồ Gươm qua đời chiều tối ngày 19/1
Chiều tối 19/1, Phó giáo sư Hà Đình Đức xác nhận, cụ rùa hồ Gươm đã qua đời lúc hơn 16h.
Thông tin cụ rùa nổi trên mặt hồ và không cử động lan tràn trên mạng xã hội, PGS Hà Đình Đức, người có khoảng 20 năm nghiên cứu về rùa ở hồ Gươm chỉ thực sự tin khi khi được Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) gọi điện báo tin về cái chết của cụ rùa.
Câu nhỏ đặt ra là liệu Hà Nội có ướp xác cụ rùa hồ Gươm, ông Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho hay, ông chưa nắm được. Nhưng trước mắt, sẽ đưa xác cụ rùa về đền Ngọc Sơn để bảo quản. Các cơ quan chức năng của thành phố sẽ hội ý, ông Phong nói.
PGS.TS Hà Đình Đức trong một lần tiếp cận, chăm sóc cụ rùa hồ Gươm: Ảnh Hà Đình Đức.
Rùa hồ Gươm có kích thước khá lớn, đầu tương đối nhỏ và rộng, mõm ngắn, tròn, vòi rất ngắn, lưng màu vàng lục có những đốm vàng, yếm bụng màu trắng nhạt. Mai rùa mềm chứ không cứng như loài rùa thông thường.
Cũng theo ông Đức, năm 2015 số lần cụ rùa hồ Gươm nổi lên mặt nước khá ít. Tháng 11 nổi hai lần, tháng 12 nổi một lần. Trung bình mỗi tháng cụ rùa nổi vài lần, thấp hơn hẳn nhưng năm trước, trung bình một tháng nổi khoảng chục lần. Lần cuối cụ rùa nổi lên là từ 10h đến 12h ngày 21/12/2015. Ở lần nổi này, mai cụ rùa vẫn bóng nhẫy, trơn mượt.
PGS Hà Đình Đức cho hay, rùa hồ Gươm có thể có nguồn gốc từ Lam Kinh, Thanh Hóa, cùng quê với vua Lê Lợi, và được vua Lê thả vào hồ Gươm, vì trước đó không có thông tin gì về loài rùa lớn nào tại Thăng Long.
Cá thể mà thành phố Hà Nội bắt để chữa trị vết thương trên thân rùa hồi tháng 4 năm 2011 là giống cái, nặng 169 kg với chiều dài toàn thân là 185 cm, chiều rộng mai 99 cm, chiều dài đuôi 35 cm.
Trong đền Ngọc Sơn trên hồ Gươm đang lưu giữ di thể rùa chết vào những năm 1960, cân nặng 250 kg, dài 2,1 m và rộng 1,8 m.
Suckhoecuocsong.com.vn