Công Phượng 'Mắc lỗi' vì tự ý đóng quảng cáo
Về mặt nguyên tắc khi một cầu thủ mặc trang phục ĐTQG đóng quảng cáo mà không thông qua Liên đoàn, thì coi như cầu thủ đã vi phạm thương quyền của đội tuyển.
Theo quy định, VFF là cơ quan quản lý và sở hữu hình ảnh của các ĐTQG. Chính vì thế, về mặt nguyên tắc khi một cầu thủ mặc trang phục ĐTQG đóng quảng cáo mà không thông qua Liên đoàn, thì coi như cầu thủ đã vi phạm thương quyền của đội tuyển.
Mặc áo đội tuyển để quảng cáo là vi phạm quy định thương quyền đội tuyển Quốc gia
Vì vậy, tiền đạo Công Phượng của HA Gia Lai mặc áo ĐTQG xuất hiện trong một clip và poster quảng cáo cho một hãng bia khiến VFF không hài lòng. Ông Lê Hoài Anh - Tổng thư ký VFF cho biết mỗi tuyển thủ quốc gia đều có quyền ký hợp đồng quảng cáo cho các doanh nghiệp, nhãn hàng nhưng chỉ là với tư cách cá nhân.
“Chúng tôi toàn quyền sử dụng và trao quyền sử dụng hình ảnh ĐTQG cho các đối tác. Chúng tôi đã trao quyền khai thác hình ảnh ĐTQG cho đối tác Nhật Bản từ vài năm qua. Việc các HLV, cầu thủ tham gia quảng cáo không phải là điều mới mẻ với bóng đá Việt Nam, nhưng cầu thủ chỉ được quảng cáo với tư cách cá nhân chứ không sử dụng hình ảnh của ĐTQG thông qua mặc trang phục”.
Qua đó, VFF sẽ có hình thức nhắc nhở để Công Phượng và CLB HA Gia Lai rút kinh nghiệm và đôi bên có thể ngồi lại để tìm giải pháp xử lý theo hướng hài hoà lợi ích. Một lãnh đạo VFF chia sẻ “VFF sẽ có văn bản nhắc nhở Công Phượng, báo đến đơn vị thuê quảng cáo để xử lý. Quan điểm của chúng tôi là cũng không nên đặt nặng vấn đề này, đôi bên có thể ngồi lại để tìm giải pháp xử lý theo hướng hài hoà lợi ích”
Hải Yến - Skcs.vn (Tổng hợp)