Công nghệ để hạn chế lái xe khi sử dụng rượu bia: Có thể không? (Phần I)
Có thể áp dụng công nghệ để can thiệp vào vấn đề lái xe khi sử dụng rượu bia không?
Các nhà sản xuất ôtô trên thế giới đã có giải pháp gì để hạn chế những hành khách của mình lái xe trong trạng thái say xỉn? Có thể áp dụng công nghệ để can thiệp vào vấn đề này không?
Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP áp dụng từ ngày 1 tháng 8 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực sẽ tăng mức phạt đối với những lái xe vi phạm nồng độ cồn, trong đó mức phạt cao nhất lên đến 18 triệu đồng. Ngoài phạt tiền, còn tước GPLX 6 tháng. Bên cạnh đó, hành vi không chấp hành thử nồng độ cồn được xem là hành vi cản trở, không chấp hành yêu cầu của người thi hành công vụ. Hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí có thể bị xử lý hình sự.
Không chỉ ở Việt Nam, ngay cả các quốc gia khác trên toàn thế giới đều có những quy định xử phạt rất nghiêm ngặt cho vấn đề này. Các nhà sản xuất ôtô tất nhiên không thể đứng ngoài cuộc và họ đã có những nghiên cứu, giải pháp của riêng mình.
Nissan: Đi đầu… nhưng vẫn chưa đến đích
Ngay từ năm 2006, Nissan đã giới thiệu công nghệ phát hiện và ngăn không cho người lái điều khiển xe trong tình trạng say xỉn. Hệ thống này hoạt động dựa trên các thiết bị:
1. Các cảm biến nồng độ cồn:
Theo đó, các cảm biến độ nhạy cao được gắn vào núm cần số để đo nồng độ cồn trong hơi ẩm toát ra từ gam bàn tay của người lái. Nếu nồng độ quá tỷ lệ cho phép, hệ thống bảo vệ sẽ tự động khoá hộp số lại và khiến chiếc xe không thể dịch chuyển được. Đồng thời, thiết bị cảnh báo “lái xe khi say” bằng giọng nói sẽ phát đi thông qua hệ thống định vị vệ tinh. Ngoài ra, còn có một bộ cảm biến nữa gắn ở ghế người lái và ghế hành khách để đo nồng độ cồn không khí trong cabin. Nếu nồng độ này quá mức cho phép, hệ thống cũng sẽ cảnh báo bằng cả giọng nói và chữ hiển thị trên màn hình hệ thống định vị vệ tinh.
2. Thiết bị cảm nhận trạng thái trên khuôn mặt người lái:
Hệ thống sử dụng một camera được gắn trên bảng táp lô, đối diện với mặt người lái và nhận biết tình trạng tỉnh táo của người lái thông qua đôi mắt. Hệ thống nếu phát hiện ra dấu hiệu người lái lơ mơ hay ngủ gà ngủ gật thì sẽ cảnh báo bằng giọng nói hay chữ trên màn hình định vị vệ tinh. Cùng lúc, dây đai an toàn sẽ thít chặt quanh người lái để gây sự chú ý.
3. Thiết bị nhận dạng hành vi lái:
Thông qua việc kiểm soát hành vi lái (ví dụ: nhận dạng xem chiếc xe có đi chệch làn đường hay không), hệ thống này còn có thể phát hiện ra những dấu hiệu của sự lơ là, không tập trung của người lái. Phản ứng giống như trên, hệ thống sẽ phát ra những cảnh báo bằng giọng nói và chữ, dây đai an toàn sẽ lập tức thắt chặt người lái để gây sự chú ý. Thiết bị cảnh báo “lái xe khi say” bằng chữ trên hệ thống định vị vệ tinh.
Mặc dù những công nghệ này nhận được sự chú ý rất lớn ở thời điểm ra mắt.Tuy nhiên cho đến tận bây giờ Nissan vẫn chưa trang bị công nghệ này trên bất kỳ mẫu xe nào của mình do những vấn đề về giá thành, sự tích hợp cũng như sự chính xác khi làm việc.
Việt Lê