Công chức Hà Nội không được nói tục, áo không cổ, váy ngắn...

24/12/2016 08:57

một số quy định trong bộ quy tắc ứng xử do Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội sắp ban hành, quy định hành vi của viên chức Hà Nội

Đó là một số quy định trong bộ quy tắc ứng xử do Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội sắp ban hành, quy định hành vi của viên chức Hà Nội nói riêng và người dân nói chung tại những khu vực công cộng.

Theo bộ quy tắc ứng xử, từ ngày 1-1-2017, cán bộ công chức Hà Nội không được mặc áo hở cổ - Ảnh: Châu Anh

Sau nhiều năm nghiên cứu, soạn thảo, tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân, báo chí, các nhà nghiên cứu…thành phố Hà Nội sẽ ban hành bộ quy tắc ứng xử vào ngày 1-1-2017.

Đó là khẳng định của ông Tô Văn Động, giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao Hà Nội (đơn vị chủ trì soạn dự thảo bộ quy tắc ứng xử của Hà Nội).

Cuối năm 2014 khi dự thảo bộ quy tắc ứng xử của Hà Nội được đưa ra lấy ý kiến cộng đồng đã gây ra nhiều ý kiến nghi ngờ về tính khả thi cuả nó. Lần này, Sở VH-TT Hà Nội đã xây dựng đồng thời hai bộ quy tắc ứng xử: Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Bộ quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội có 6 chương, 16 điều, với mục đích xây dựng nền hành chính Thủ đô chuyên nghiệp, chuẩn mực và hiệu quả. Đối tượng áp dụng của Bộ quy tắc là công chức đang làm việc trong các cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố Hà Nội.

Bộ quy tắc đưa ra các nguyên tắc ứng xử trong các mối quan hệ cơ bản như: quy tắc ứng xử chung; ứng xử với đồng nghiệp; ứng xử với người dân; ứng xử giữa các cơ quan.

Một số quy tắc cụ thể được đưa ra như:

Cán bộ công chức đi làm việc phải mặc áo có ống tay, cổ áo, nếu mặc váy thì phải dài đến đầu gối, không xăm hình, vẽ hình phản cảm; sử dụng trang sức, mỹ phẩm, nước hoa phải phù hợp...

Không nói tục, không tụ tập làm việc riêng trong hoặc ngoài cơ quan; không nấu nướng thực phẩm trong phòng làm việc.

Không hút thuốc; không sử dụng đồ uống có cồn; không hát karaoke trong giờ làm việc; không đeo tai nghe, bật nhạc, nghe nhạc, xem tivi, nghe đài, chơi điện tử trong giờ hành chính

Không lưu giữ, phát tán hình ảnh có nội dung đồi truỵ; không có hành vi quấy rối dưới mọi hình thức, kể cả bằng lời nói, cử chỉ…

Trong quan hệ ứng xử với đồng nghiệp, không đố kỵ lôi kéo để tạo phe nhóm. Với cấp trên, không xu nịnh để lấy lòng và trục lợi; không biếu quà cấp trên vì mục tiêu thăng quan, tiến chức, lợi ích riêng trong công việc.

Cấp trên ứng xử với cấp dưới phải gương mẫu, quan tâm, sâu sát, công bằng, dân chủ, bao dung, chia sẻ, kỷ luật nghiêm minh, bảo vệ cấp dưới.

Trong quy tắc ứng xử với người dân, cán bộ công chức không được gợi ý để nhận tiền, quà biếu và không được gây căng thẳng, bức xúc hoặc uy hiếp, tấn công người dân. “Nếu có va chạm cần nghiêm túc nhận khuyết điểm và chủ động giải quyết với tư cách cá nhân, không ảnh hưởng đến cơ quan, đơn vị, tổ chức”, Bộ quy tắc nói rõ.

Với những cán bộ công chức thực hiện tốt các quy tắc ứng xử này sẽ được biểu dương, khen thưởng. Còn những công chức vi phạm sẽ bị phê bình công khai trong cơ quan, đơn vị.

Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng gồm 3 chương, 8 điều, được áp dụng cho mọi tổ chức, cá nhân đang sinh sống, công tác, học tập và tham quan, lưu trú trên địa bàn Hà Nội, với mục đích chung là xây dựng hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Ngoài những quy tắc ứng xử chung, bộ quy tắc này còn đưa ra nhiều nguyên tắc ứng xử ở từng nơi công cộng cụ thể như: vỉa hè, lòng đường; vườn hoa, quảng trường, tượng đài, công viên; khu vực tín ngưỡng, tôn giáo; bảo tàng, thư viện, nhà văn hoá; trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng; nhà ga, bến ô tô, bến tàu, sân bay; khu vui chơi giải trí…

Ông Tô Văn Động thừa nhận, mặc dù khâu soạn thảo rất chặt chẽ, công phu, có tham khảo ý kiến nhiều nhà nghiên cứu nhưng việc thực hiện bộ quy tắc này không đơn giản. Ông cũng nói, khi ban hành bộ quy tắc ứng xử này liệu có được các cán bộ công chức và người dân thành phố đón nhận và thực hiện cho tốt hay không, mới là điều quan trọng.

“Chúng tôi đã đăng dự thảo bộ quy tắc trên cổng thông tin điện tử của thành phố để lấy ý kiến đóng góp của người dân, nhưng gần như không nhận được phản hồi góp ý nào. Đến nỗi chúng tôi phải gửi dự thảo xuống từng quận, huyện để chuyển đến các tổ dân phố xin ý kiến người dân”, ông Động cho biết thêm.

Giải thích về việc chậm trễ ban hành bộ quy tắc ứng xử của Hà Nội, ông Tô Văn Động cho biết: “Bộ quy tắc ứng xử đã khởi động từ năm 2012 nhưng đến bây giờ vẫn chưa công bố chính thức vì đây là một việc rất khó. Khó bởi vì làm sao phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật, sau nữa là dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, dễ xử lý để mọi người dân đón nhận và thực hiện…”.

Suckhoecuocsong.com.vn ( Theo TTO)

Các tin khác

Bảng Tra cứu TUỔI NGHỈ HƯU và THỜI ĐIỂM NGHỈ HƯU theo luật lao động mới từ 2025

Tối ưu nguồn năng lượng để bảo vệ môi trường

Điều kiện, giấy tờ cần có để lên máy bay từ ngày 10/10

Hà Nội cho phép thể dục ngoài trời, mở cửa trung tâm thương mại, thời trang, hóa mỹ phẩm

Quy trình cấp giấy đi đường tại Hà Nội từ ngày 6/9 theo hướng dẫn của Công An Tp Hà Nội

Danh sách số điện thoại hỗ trợ nhu yếu phẩm tại TP.HCM

Sự khác nhau giữa Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng, Chỉ thị 10 của TP Hồ Chí Minh trong dịch COVID-19

Khủng khiếp: Đồ chơi LEGO có thể tồn tại 1.300 năm dưới đại dương

Quản lý và xử lý chất thải rắn

Đoàn Thị Hương đã được trả tự do, chuẩn bị về nước