Chương trình xuân nơi biên giới
Qũy Điều ước Nhỏ thực hiện chương trình xuân nơi biên giới
Đặt chân đến Sapa chúng tôi không khỏi lo lắng vì thời tiết quá lạnh và dự báo trời còn tiếp tục lạnh thêm, băng giá có thể xuất hiện trên vùng đất này. Làm sao có thể đi bản trong điều kiện thời tiết mây mù, giá lạnh thậm trí còn có băng được nhỉ?. Biết bao câu hỏi được đặt ra. Nhưng ông trời không phụ lòng người, rạng sáng hôm sau trời quang dần và khi đoàn chúng tôi lên đến Mường So chúng tôi được thông báo còn phải đi tiếp 1,5 tiếng đường đèo nữa mới đến được hai bản trong kế hoạch chương trình, nhiều người trong đoàn cùng khá nản vì say xe. Thế rồi xã Mù Sang cũng hiện dần, càng ngày càng rõ. Bầu trời trong hơn, nắng chan hòa.
Mù Sang nằm ở độ cao tương đối lớn so với mực nước biển, địa hình phức tạp chủ yếu là đồi núi, nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất của người dân khan hiếm, nhất là vào mùa khô, do đó sản xuất cây lương thực có hạt và cây công nghiệp của bà con gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy bà con vùng biên xa xôi này chọn cách chăn nuôi để tăng gia.Tuy nhiên với độ cao lớn so với mực nước biển, thời tiết cũng khá khắc nghiệt nên đây là hai bản nghèo vùng cao. “Hôm nay là một ngày may mắn vì có nắng” Anh Phàn A Tủa - Công An huyện chia sẻ.
Dừng chân tại bản Dèn Thàng A, xã Dào San chúng tôi tới thăm nhà của bà Lý Thị Diệu sinh năm 1960, không con cái. Bà là một trong những trường hợp bị mất nhà trong trận lũ năm 2018.
Cùng cảnh ngộ với bà là Chị Sùng Thị Dế sinh năm 1986 chồng chết trong trận lũ năm 2018, hiện nuôi 03 con với mái nhà đơn sơ không có nguồn thu nhập.
Và trận lũ 03/8/2018 ấy cũng đã lấy đi người mẹ của gia đình anh trưởng bản Mù Sang, khiến cho đứa con trai cả của gia đình là em Ma Pháo Hảng bị gãy cột sống. Hiện giờ em bị liệt nửa người và chỉ nằm xe lăn.
Ma Pháo Hảng chỉ có thể di chuyển bằng xe lăn
Trường hợp gia đình cụ Ma Thị Mao thì may mắn hơn. Bà là mẹ liệt sĩ nên được nhà nước xây cho một ngôi nhà tình nghĩa. Ngồi nhà đúng nghĩa là chỗ che mưa che nắng, nhà trống không, chỉ có vài bao ngô. Con dâu bà Giàng Thị Công nhận thay mẹ quà tặng của chương trình.
Tại bản Sin Chải, xã Mù Sang bà con đã đứng chờ đoàn từ bao giờ. Lũ trẻ con theo chân chúng tôi tới từng nhà, ngôn ngữ bất đồng nên họ chẳng hiểu chúng tôi nói gì và chúng tôi cũng vậy. Ai cũng cười nói vui vẻ nhưng chắc là người cho thì vui kiểu được cho, người nhận thì vui kiểu được nhận. Thi thoảng lắm anh công an huyện mới dịch cho đôi chút. Trẻ con vùng miền núi xa xôi này cũng không “dạn người” như những bản dưới xuôi. Tụi nó cứ đi theo đến từng nhà, phát kẹo thì ăn kẹo, phát bánh thì ăn bánh có vẻ rất vui khi có người đến thăm, cho quà.
Trường hợp nghèo nhất bản Sin Chải này là Anh Liều A Chinh, sinh năm 1983, mất một mắt, cụt một tay trong trận lũ năm 2018. Vợ bỏ đi sang Trung Quốc. Toàn bộ gia sản của gia đình chỉ có một mái nhà và những tấm liếp làm vách. Anh mời chúng tôi vào nhà, mời thì vào, nhìn quanh chẳng thấy có cái ghế nào, tối thui nên lại quay ra. Chẳng thể nói chuyện với Anh Chinh được lâu bởi chúng tôi còn nhiều hoàn cảnh đang chờ….vậy nên lại vội vàng chia tay anh dù anh là người duy nhất nói được tiếng kinh.
Thời gian xuống núi cũng gấp vì trời tối khá nhanh và mây kéo đến cũng nhanh, đường đi xuống sẽ khó khăn hơn. Do vậy đành phải vội vàng chia tay bản Sin Chải và bà con nơi đây.
Chương trình khép lại với một điều trăn trở không phải là tiền, không phải là quà….mà làm sao đưa được các em đến trường để thay đổi nhận thức, cách làm kinh tế cho các thế hệ sau.
Một vài hình ảnh của chương trình
Giàng A Lòng bị thiểu năng trí tuệ thuộc diện hộ nghèo của bản
Qũy Điều Ước Nhỏ