Chế tạo thành công gỗ trong suốt thay tthế thủy tinh và nhựa
Vật liệu sau khi xử lý trông giống như nhựa trong suốt, có tính năng cách điện và thân thiện với môi trường.
Các nhà nghiên cứu từ Thụy Điển và Hoa Kỳ đã phát triển thành công gỗ trong suốt. Theo đó, gỗ sau khi khi xử lý trông giống như nhựa trong suốt, cho phép ánh sáng xuyên qua nhiều hơn, có tính năng cách điện và vẫn giữ tính chất thân thiện với môi trường.
Gỗ trong suốt tạo ra bởi các nhà khoa học thuộc Đại học Maryland (Mỹ) - Ảnh: Đại học Maryland (Mỹ)
Nhóm khoa học thuộc Đại học Maryland (Mỹ) hi vọng một ngày nào đó vật liệu này có thể được sử dụng rộng rãi trong xây dựng và thiết kế như vật liệu thay thế cho gỗ và thủy tinh.
Theo New York Times, các nhà nghiên cứu này chuyên làm việc với vật liệu composite (còn gọi là vật liệu compozit là vật liệu tổng hợp từ hai hay nhiều vật liệu khác nhau tạo nên vật liệu mới có tính năng hơn hẳn các vật liệu ban đầu, khi những vật liệu này làm việc riêng rẽ).
Để tạo ra gỗ trong suốt, nhà khoa học vật liệu, tiến sĩ Liangbing Hu đã nấu gỗ trong một bồn hóa chất, tẩy lignin (chất cao phân tử có cấu trúc vô định hình khác với xenlulo, khiến gỗ cứng, tạo màu gỗ và ngăn chặn 80 - 95% ánh sáng đi xuyên qua).
Tiến sĩ Liangbing Hu phát biểu trên tờ Times: “Nó có thể được ứng dụng nhiều, có khả năng thay thế thủy tinh và một số vật liệu quang học”.
Gỗ trong suốt tạo ra bởi các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ Hoàng gia KTH (Thụy Điển) - Ảnh: KTH Royal Institute of Technology
Trong khi đó, gỗ trong suốt cũng đang được phát triển tại Viện Công nghệ Hoàng gia KTH tại Stockholm (Thụy Điển). Theo FastCo Design, giống như tiến sĩ Hu, giáo sư Lars Berglund cũng dùng hóa chất để loại bỏ ligin của gỗ và thay thế nó bằng polymer, tạo ra dải gỗ trong suốt đến 85%.
Vị giáo sư tại Trung tâm Khoa học về Gỗ Wallenberg thuộc KTH nói: “Khi ligin được loại bỏ, gỗ trở nên trắng đẹp mắt”. Nhưng vì gỗ không trong một cách tự nhiên nên họ đã thêm một số thành phần khác giữa các phân tử xenlulo không màu để hoàn thiện sản phẩm.
Berglund hi vọng vật liệu này sẽ được dùng trong các pin năng lượng Mặt trời thân thiện với môi trường thay thế kính. Ông cho biết: “Gỗ trong suốt là vật liệu tốt để làm pin năng lượng mặt trời vì nó có chi phí thấp, có sẵn và lại là nguồn tài nguyên có khả năng tái tạo”. Bên cạnh đó: “Nó cũng có các tính chất cơ học tuyệt vời, bao gồm cả sự dẻo dai, dẫn nhiệt thấp, mạnh”.
Dù con đường sản xuất đại trà vật liệu nhiều tiềm năng nói trên còn dài bởi nhóm tiến sĩ Hu chỉ tạo ra được miếng gỗ dày vài cm và rộng vài inch, nhóm của giáo sư Berglund mới chỉ dừng lại ở “tờ” gỗ mỏng, tương lai gần, các nhà khoa học sẽ tiến hành việc biến đổi trên nhiều loại gỗ khác nhau cho ra sản phẩm hoàn hảo nhất với chi phí sản xuất rẻ nhất.
Suckhoecuocsong.com.vn ( theo Khampha)(Independent)