Chàng trai Việt chế tạo thành công phi thuyền vào không gian, mở ra những cơ hội to lớn

12/03/2015 16:00

Vị giám đốc trẻ khẳng định, thiết bị này có chi phí rẻ hơn nhiều máy bay và vệ tinh nên rất phù hợp với điều kiện kinh tế của Việt Nam.

 

Thực tế. cái tên Phạm Gia Vinh không còn xa lạ trong giới chơi máy bay mô hình ở Việt Nam. Anh là chủ nhiệm CLB máy bay mô hình phía Bắc với hàng trăm mẫu máy bay được các bạn trẻ rất yêu thích. Tuy nhiên, một mặt khác ít ai biết đến của chàng trai trẻ Phạm Gia Vinh (sinh năm 1983) là anh hiện đang là giám đốc Công ty CP Nghiên cứu & Phát triển Đông Giang Việt Nam - một trong số ít công ty chuyên về nghiên cứu và sản xuất máy bay không người lái ở Việt Nam.

 

 

Tên tuổi Pham Gia Vinh từ lâu đã không còn xa lạ với giới chơi máy bay mô hình tại Việt Nam.

 

Nổi tiếng từ khi còn là sinh viên ngành Điện, Điện tử công nghiệp - Điều khiển tự động, Chủ tịch Hội du học sinh Việt Nam tại thành phố Rennes (Pháp), Phạm Gia Vinh vẫn quyết định về Việt Nam để thực hiện ước mơ được tự nghiên cứu và chế tạo máy bay không người lái. Những sản phẩm đầu tiên anh làm là máy bay không người lái tự động và bán tự động (M94, M96) phục vụ huấn luyện phòng không.

 

Ý tưởng chế tạo một thiết bị có thể bay được ở trần cao gấp 3 đến 5 lần máy bay thông thường hình thành trong đầu anh khoảng cuối tháng 2/2014.

 

Sau khi trình bày với một khách hàng tiềm năng, họ đã sẵn sàng mở thầu công khai. Công ty Đông Giang của Phạm Gia Vinh đã dành được hợp đồng sản xuất và bay thử mẫu thiết bị bay và hệ thống thu hồi chính xác phục vụ nghiên cứu khoa học.

 

Hoàn thiện sản phẩm

 

Chỉ trong hơn nửa năm, Phạm Gia Vinh cùng các cộng sự của mình đã chế tạo thành công loại khí cụ bay có trọng lượng 600kg, với trần bay từ 30 đến 50km, thời gian bay có thể lên tới một tuần.

 

Dù biết rằng thế giới đã có thiết bị tương tự được sử dụng nhiều trong lĩnh vực thử nghiệm, thực nghiệm các thiết bị hàng không và hàng không vũ trụ, Vinh vẫn quyết nghiên cứu cho ra đời thiết bị bay 'made in Vietnam' có những điểm khác biệt nổi trội: khả năng thu hồi chính xác thiết bị sau khi hoàn thành thử nghiệm, tránh thất lạc và giảm chi phí tìm kiếm, thu hồi, giữ an toàn cho các thiết bị đo đạc đắt tiền lắp đặt bên trong.

 

 

Điểm mạnh nổi bật của sản phẩm của Vinh là khả năng thu hồi thiết bị.

 

TS Vũ Quốc Huy, Phó trưởng Bộ môn Kỹ thuật Hàng không & Vũ trụ, Viện Cơ khí Động lực, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết hiện tại, trên thế giới mới chỉ có một số quốc gia sở hữu công nghệ phát triển các khí cụ bay có trần bay trên 30 km như Mỹ, Pháp, Nhật, Tây Ban Nha, Ấn Độ...

 

Nếu Việt Nam có thể sản xuất các thiết bị bay không người lái có trần bay trên 30 km thì sẽ là một bước tiến không nhỏ trong nghiên cứu về khoa học hàng không vũ trụ.

 

Về mặt kinh tế, nếu sản xuất được trong nước, thiết bị này chắc chắn sẽ có giá thành thấp hơn so với sản phẩm cùng loại nhập khẩu.

 

Những ngày đầu năm 2015, Vinh âm thầm mang khí cụ đi nước ngoài bay thử. Anh phối hợp với một công ty công nghệ của Singapore, trường đại học và viện nghiên cứu của nước nước này tiến hành chuyến bay thử nghiệm đầu tiên. Ngoài việc bay thử thiết bị, Phạm Gia Vinh còn kết hợp với một trung tâm nghiên cứu ở Singapore để đưa 3 con chuột lên để thí nghiệm kiểm tra biến đổi ở cấp độ tế bào trên môi trường cận vũ trụ (near space) để tiến tới bào chế thuốc.

 

Trong lần thử nghiệm đầu tiên, sản phẩm của Vinh đã đạt 80% yêu cầu và được các đối tác và khách hàng đánh giá rất cao. Trong đó, trần bay của thiết bị này đạt được tới 23 km với bán kính bay là 150 km trong 7 tiếng đồng hồ - vượt xa tầm hoạt động của các máy bay dân dụng đang có trên thị trường thế giới.

 

"Trong vài tuần tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thử tầm bay cao hơn với mục tiêu là vượt qua trần bay 30 km," vị giám đốc trẻ chia sẻ về dự định mới.

 

 

Anh Vinh bên cạnh sản phẩm mình chế tạo.

 

Ưu điểm lớn nhất trong sản phẩm của Vinh là việc kiểm soát được vị trí hạ cánh của khoang đổ bộ. Chính điều này đã khiến cho công ty của anh giành chiến thắng trong các dự án đấu thầu quốc tế.

 

Nếu như các sản phẩm cùng loại của một số công ty khác trên thế giới chỉ có thể thu hồi bằng cách sử dụng dù hỗ trợ thì sản phẩm này có thể thu hồi khoang đổ bộ một cách tương đối chính xác.

 

"Chúng tôi có thể điều khiển thiết bị hạ cánh trong phạm vi 50km - 80km với sai số dưới 50m. Vì vậy, khoang đổ bộ hạ xuống đất sẽ không ảnh hưởng tới người, nhà, và các công trình dưới mặt đất, cũng như thu hồi các thiết bị nghiên cứu đắt tiền," Phạm Gia Vinh giải thích về tính năng mới này.

 

Lợi ích tiềm năng to lớn

 

Theo anh Vinh, thiết bị bay này có thể sử dụng trong rất nhiều lĩnh vực, từ phục vụ an ninh quốc phòng đến các mục đích dân sự, nghiên cứu khoa học.

 

Với tầm bay từ 30 đến 50 km, thiết bị này cho phép thực hiện các thí nghiệm y học, môi trường, nghiên cứu khí quyển cao của trái đất. Từ độ cao đó, thiết bị bay có thể gửi dữ liệu, ảnh đa phổ trực tiếp về hiện trường. Các nhà khoa học có thể tìm hiểu nguồn nước, độ phủ xanh của đất, quan sát được mầm bệnh của cây trồng.

 

Khí cụ bay này cũng có thể mang các thiết bị quan sát, nghiên cứu tia vũ trụ và mang các thiết bị nghiên cứu ở môi trường cận vũ trụ. Khí cụ còn có thể kiểm nghiệm các thiết bị vệ tinh (camera, ăng ten, radar v.v.) trước khi tích hợp và đưa ra ngoài không gian.

 

Ở độ cao khoảng 30 km, thiết bị này sẽ giúp các nhà khoa học dễ dàng quan sát, nghiên cứu sự hình thành, đường đi của các cơn bão. Ưu điểm của thiết bị này có thể chuyển dữ liệu về nhanh hơn vệ tinh bằng cách gửi trực tiếp hình ảnh thu thập được về trái đất.

 

Trong lĩnh vực an ninh thông tin, khi vệ tinh hỏng có thể sử dụng khí cụ bay như một trạm thu, phát sóng trong thời gian một tuần để phục vụ sửa chữa. Bên cạnh đó, khí cụ bay có thể làm các hệ thống radar phục vụ cho Quốc phòng và nghiên cứu khoa học.

 

 

Sản phẩm của anh Vinh được trưng bày tại Singapore có tiềm năng rất hứa hẹn.

 

Ngoài ra, thiết bị bay có thể mang camera để chụp các hình ảnh có độ phân giải cao truyền về trái đất. Một bức ảnh chụp góc rộng có thể phủ diện tích 50 x 50 km, tương đương diện tích của TP.HCM và các tỉnh lân cận. Bức ảnh góc hẹp chụp từ khí cụ bay với độ phân giải cao giúp thể hiện chi tiết dưới 10 cm.

 

Trong lần thử nghiệm vừa qua ở độ cao 23 km, thiết bị bay này đã giúp Vinh có thể nhìn thấy vành cong của Trái Đất, thấy ranh giới giữa phần tối của vũ vụ và vành trái đất sáng.

 

Vị giám đốc trẻ khẳng định, thiết bị này có chi phí rẻ hơn nhiều máy bay và vệ tinh nên rất phù hợp với điều kiện kinh tế của Việt Nam.

 

"Công nghệ này, tôi nghĩ chúng ta cần phải có. Đó cũng là lý do, tôi quyết tâm về nước. Nếu được triển khai trong thực tế thì Việt Nam sẽ là nước đầu tiên ở Đông Nam Á áp dụng công nghệ này".

 

Vị giám đốc trẻ tài năng cũng bày tỏ mong muốn sẵn sàng hợp tác với các cơ quan chức năng, các tập đoàn công nghệ ở Việt Nam để phát triển các sản phẩm bay phục vụ cho quân sự và dân sinh.

 

Quang Phong - Skcs.vn (tổng hợp)

Các tin khác

Malaysia nghiên cứu phát triển vaccine Covid-19 dạng xịt mũi hoặc uống

Phát triển thiết bị phân tích chất lượng nước sinh hoạt bằng giấy

Phát triển vật liệu in 3D có khả năng tiêu diệt virus SARS-CoV-2

Chế tạo robot lỏng hoạt động liên tục không cần pin, nguồn điện

Phát triển loại thép không gỉ có thể tiêu diệt virus SARS-CoV-2

Nhật Bản phát minh loại khẩu trang phát hiện được Covid-19

Sáng chế loại kẹo cao su giúp giảm lây nhiễm Covid-19

Mũ cách ly di động phòng chống dịch Covid-19 lợi hại như thế nào?

Trung Quốc phát triển robot tí hon chở thuốc đến tiêu diệt tế bào ung thư

Nghiên cứu phát triển biến bã cà phê thành vật liệu dùng trong pin Lithium-ion