Cầu Long Biên, di sản văn hoá Hà Nội

20/10/2014 14:33

Mỗi cư dân Hà Nội, dù là dân gốc hay những người nhập cư, đều mang trong mình một hình ảnh ấm áp, thân thuộc hay một kỷ niệm nào đó về cầu Long Biên.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng văn hóa Trung ương, trước khi chia tay Hà Nội về Huế (để nghỉ hưu) cũng đã đạp xe qua cầu Long Biên, và ông đã làm một bài thơ rất xúc động về cây cầu có hơn 110 năm chứng kiến thăng trầm của Thăng Long-Hà Nội:

“Bên kia cầu, chùa Bồ Đề

Như chiếc nấm Linh Chi cổ đại

Cầu Long Biên gù lưng người phu già

Sớm chiều cõng chuông qua sông

Nhắc nhở lẽ huyền vi Hà Nội

Chiếc cầu đi suốt đời ta

Ròng ròng huyết mạch

Đầy vết đao binh lửa

Dạy ta vượt lên sóng gió

Làm người; Ba mươi năm

Ta lại đạp xe qua chiếc cầu cũ kỹ

Trong sớm thu dịu ngọt

Nghe sông Hồng vặn mình trong cát

Gió rít mỗi trụ cầu;

Thấy màu mắt những anh hùng trong thép

Thấy những sóng người dào dạt; Trùng trùng lớp lớp đi xa…”

Cầu Long Biên.

Cầu Long Biên, mỗi lần đi qua đó tôi đều có cảm xúc rất lạ, đặt chân lên cầu từ phía Gia Lâm là có cảm giác bắt đầu vào Hà Nội, sau lưng là quê nhà, và ngược lại, khi lên cầu từ đường Trần Nhật Duật, thì lại có cảm giác Hà Nội đã ở sau lưng mình rồi. Cây cầu này nối hai vùng đô thị rất khác, cái khác ấy khó diễn đạt thành lời, có lẽ chỉ những người sống ở hai đầu cầu mới thấm, cũng là Hà Nội đấy, mà là hai Hà Nội khác nhau…

Mỗi cư dân Hà Nội, dù là dân gốc hay những người nhập cư, đều mang trong mình một hình ảnh ấm áp, thân thuộc hay một kỷ niệm nào đó về cầu Long Biên. Và với rất nhiều người Việt, có khi chưa đặt chân tới Hà Nội bao giờ, thì cây cầu này vẫn là một biểu tượng của Hà Nội, gắn liền với Hà Nội. Có lẽ chẳng cần một sắc phong chính thức nào thì cầu Long Biên đã hiển nhiên là một di sản của thủ đô. Cũng có thể bởi vì điều đó quá hiển nhiên, cho nên người ta đã quên đưa  cây cầu này vào danh mục di sản cần bảo tồn, tôn tạo chăng?

Với hơn 110 năm tồn tại, cây cầu này là chứng nhân lịch sử của Hà Nội từ thời Pháp thuộc, qua hai cuộc kháng chiến lớn nhất của dân tộc trong thế kỷ 20 và ngày nay, thời bình và thời kỳ đổi mới. Nó là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại của Hà Nội.  Không những thế, ở tầm vóc quốc tế, đây còn là công trình kiến trúc kỳ vĩ, tiêu biểu cho một thời kỳ phát triển kỹ nghệ rực rỡ đầu thế kỷ 20. Những điều này, chẳng cần những chuyên gia uyên thâm, người bình thường có chút hiểu biết, đều có thể thấy được.

Tôi ước mơ, một ngày nào đó, sẽ được nhìn ngắm và đi trên cây cầu Long Biên nguyên vẹn như hơn trăm năm trước.

Cho đến bây giờ, ngoài cầu Long Biên và có lẽ là cầu Nhật Tân (sắp hoàn thành), chẳng có cây cầu nào bắc qua sông Hồng trên địa phận Hà Nội, có giá trị thẩm mỹ và gợi cảm hơn. Những cây cầu khác đơn thuần chỉ để đi qua.

Mỗi người dân qua đây đều lưu lại trong mình những kỷ niệm về một di sản văn hoá quý hiếm của Hà Nội.

Suckhoecuocsong.vn (Theo VOV)

Các tin khác

Những điều cần nhớ khi du lịch Đức

Những điều cần nhớ khi du lịch Hy Lạp

Du lịch Hong Kong những điều cần biết

Du lịch Trung Quốc: Những điều cấm kỵ cần biết

Những điều cấm kỵ khi đi du lịch Ý

Du lịch Canada du khách cần nhớ những điều cần tránh này

Những điều kiêng kỵ khi du lịch Úc du khách cần biết

Những điều kiêng kỵ du khách cần nhớ khi du lịch Singapore tránh gặp rắc rối

Khám phá Indonesia du khách tránh phạm phải những điều này

Để chuyến du lịch thuận lợi hãy nhớ những điều kiêng kỵ khi đến Đài Loan