Cách thức chiến tranh sẽ thay đổi vì công nghệ
10 công nghệ làm thay đổi cách thức chiến tranh không có sự tham gia trực tiếp của con người
Cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, hình thức chiến tranh trong tương lai có thể cũng theo đó mà thay đổi theo. Chẳng hạn, một cuộc chiến mà ở đó không có sự tham gia trực tiếp của con người; một cuộc chiến xảy ra trong chớp nhoáng, hay một cuộc chiến không xảy ra trên thực địa, mà trong không gian ảo… Sau đây là 10 công nghệ có thể dẫn đến một cuộc chiến như thế.
1. Công nghệ không gian quân sự
Mỹ là quốc gia duy nhất có khả năng tác chiến chống vệ tinh. Năm 2008, Washington đã sử dụng tên lửa “SM-3” phá hủy một quả vệ tinh trong điều kiện thực chiến. Ngoài ra, nước này còn làm chủ được nhiều loại công nghệ chống vệ tinh như: Gây nhiễu, đánh lừa, tấn công các vệ tinh nhỏ, làm tê liệt vệ tinh bằng laser.
2. Công nghệ không người lái
Chiến tranh trong tương lai sẽ chuyển sang một mô hình chiến tranh hoàn toàn mới, vũ khí không người lái sẽ đóng vai trò trung tâm. Hiện nay, quân đội của hơn 60 quốc gia đã được trang bị Robot quân dụng, với hơn 150 loại khác nhau. Dự kiến đến năm 2040, quân đội Mỹ có thể sẽ có một nửa chiến binh là Robot. Ngoài Hoa Kỳ ra, Nga, Anh, Đức, Nhật, Hàn Quốc cũng đang đẩy mạnh nghiên cứu “chiến binh” người máy của mình.
3. Công nghệ in 3D
Mỹ không ngừng đẩy mạnh phát triển công nghệ in 3D, họ hy vọng thông qua sự vượt trội về vật liệu và khả năng chế tạo của mình để chiếm lấy ưu thế về quân sự. Điển hình, ngày 14-1-2015, Công ty Sciaky – nhà chế tạo thiết bị điện tử nổi tiếng của Mỹ tuyên bố, họ đã làm chủ được công nghệ in 3D. Công nghệ này sẽ được ứng dụng để in ấn nhiều linh kiện của máy bay chiến đấu F-35 – máy bay thế hệ 5 của không quân Mỹ.
4. Công nghệ tốc độ siêu âm
Công nghệ tốc độ siêu âm có ý nghĩa quan trọng trong quân sự, vũ khí tốc độ siêu âm có hành trình xa, tốc độ nhanh, có thể tấn công các mục tiêu ở xa với tốc độ cực nhanh. Được chuyên gia quân sự mệnh danh là thành quả mang tính cách mạng lần 3 trong lịch sử hàng không sau công nghệ động cơ cánh quạt và động cơ phản lực. Quốc hội Mỹ đã thông qua dự toán 25 triệu USD cho dự án “Tấn công chớp nhoáng toàn cầu” trong năm tài khóa 2015 và quyết định bổ sung ngân sách chi cho dự án tên lửa tốc độ siêu âm của lục quân. Tháng 3-2015, Thứ trưởng quốc phòng Nga cũng cho biết, nước này đã nghiên cứu một nhiên liệu mới có thể làm cho vũ khí bay với tốc độ Mach 5 trở lên, một khi nó được đưa vào ứng dụng thực tế, sẽ làm cho vũ khí của Nga chiếm được ưu thế trong cạnh tranh vũ khí siêu âm với các nước khác trên thế giới.
5. Công nghệ máy bay chiến đấu tàng hình
Máy bay thế hệ mới có khả năng tàng hình là xu hướng phát triển trong lĩnh vực khoa học công nghệ hàng không của mọi quốc gia. Thời gian gần đây, Mỹ đã có kế hoạch phát triển máy bay ném bom chiến lược thế hệ mới cho không quân. Loại máy bay này được mệnh danh là “máy bay ném bom 2018”; là loại máy bay tàng hình tốc độ siêu âm, có thể bay với hành trình 9.300km mà không cần tiếp nhiên liệu. Dự kiến siêu máy bay ném bom thế hệ mới này sẽ được đưa vào phục vụ không quân Mỹ trong năm 2025.
6. Công nghệ đánh chặn tên lửa
Công nghệ đánh chặn tên lửa phòng không là công nghệ đánh chặn tên lửa chiến lược bay trên không trung và ở quỹ đạo không gian. Hệ thống này bao gồm tên lửa đánh chặn, thiết bị phóng và radar. Công ty Raytheon của Mỹ tuyên bố, họ đã hoàn thành việc đánh giá giai đoạn một của dự án “vũ khí sát thương nhiều mục tiêu”, tức là hệ thống vũ khí được trang bị khả năng đánh chặn tên lửa xuyên lục địa nhiều đầu đạn. Để cân bằng với Mỹ, Nga cũng tích cực phát triển hệ thống đánh chặn tên lửa của mình; đã đẩy nhanh tiến độ thay mới một loạt trang bị từ S-300, S-400 cho đến S-500.
7. Công nghệ vũ khí khái niệm mới (vũ khí laser)
Công nghệ vũ khí khái niệm mới là một loại vũ khí sử dụng công nghệ cao để nâng cao hiệu quả tác chiến, như vũ khí định hướng, vũ khí động năng… Tháng 9 năm 2015, Hải quân Mỹ cho biết, họ đang nghiên cứu một hệ thống vũ khí công năng mới được gọi là “Star Wars” (chiến tranh giữa các vì sao), không chỉ có khả năng tác chiến hạm đối hạm, mà còn có khả năng phòng vệ không gian.
8. Công nghệ dẫn đường chính xác
Công nghệ dẫn đường chính xác là một trong những dự án quan trọng của Mỹ, nó là hệ thống tác chiến có thể tấn công tiêu diệt mục tiêu xuyên lục địa từ trong lãnh thổ Hoa Kỳ. Hệ thống này được hình thành dựa trên nền tảng của vũ khí siêu âm, thời gian triển khai tác chiến chưa đầy 2 giờ đồng hồ, dự tính năm 2025 sẽ được Mỹ đưa vào trang bị cho quân đội. Ngày 17-11, một quan chức quân đội Nga cũng tiết lộ cho biết, năm 2016 Moscow sẽ tiến hành thử nghiệm tên lửa hành trình hạng nặng thế hệ mới Сармат. Loại tên lửa này có thể xuyên thủng mọi hệ thống chống tên lửa của đối phương, thậm chí có thể dùng để đối phó với “Hệ thống tấn công chớp nhoáng toàn cầu” sử dụng đầu đạn thông thường của Mỹ.
9. Công nghệ tác chiến mạng
Công nghệ tác chiến mạng là một lĩnh vực tác chiến mới. Không gian mạng là môi trường đóng vai trò quan trọng của chiến tranh công nghệ cao trong tương lai. Hoa Kỳ là cường quốc về công nghệ mạng tiêu biểu, do đó, nước này rất tích cực phát triển công nghệ để đối phó với các cuộc tấn công mạng kiểu mới; đi sâu nghiên cứu công nghệ tấn công mạng; tăng cường phát triển theo hướng linh hoạt hóa và vũ khí hóa.
10. Công nghệ mô phỏng sinh vật
Công nghệ mô phỏng sinh vật là kết hợp công nghệ sinh vật hiện đại với lĩnh vực quân sự, vật lý, hóa học, vật liệu và thông tin. Chẳng hạn như: Vũ khí điều khiển bằng não bộ có thể giúp người lính kiểm soát từ xa Robot; phối hợp một cách đơn giản giữa người và trang bị. Cơ quan Dự án Nghiên cứu cao cấp quốc phòng Mỹ đã thành lập phòng công nghệ sinh vật, nhằm tích hợp sinh vật học, công trình học và khoa học máy tính, để phát triển công nghệ và trang bị thế hệ mới dựa trên khoa học đời sống. Chẳng hạn, gần đây Công ty IBM đã phát triển thành công chip xử lý mới mà họ gọi chip neurosynaptic đầu tiên trên thế giới, một bộ vi xử lý máy tính bắt chước khả năng bộ não của con người. Được biết đến với cái tên TrueNorth, con chip của IBM có thể nhồi nhét sức mạnh siêu máy tính vào một bộ vi xử lý có kích thước của một con tem, có khả năng cảm nhận, phân biệt và học tập như con người.
Suckhoecuocsong.com.vn ( Theo ANTĐ)