Các điều cần biết khi làm thủ tục chuyển, nhập hộ khẩu ở Thành phố Hà Nội
Bài viết sau đây sẽ cung cấp đầy đủ những thông tin cần thiết giúp bạn vừa tiết kiệm thời gian vừa hiệu quả khi đi làm thủ tục này
Nhiều người khi muốn chuyển, nhập hộ khẩu thường tỏ ra rất lung túng không biết cần làm những gì. Bài viết sau đây sẽ cung cấp đầy đủ những thông tin cần thiết giúp bạn vừa tiết kiệm thời gian vừa hiệu quả khi đi làm thủ tục này
Bước 1: Đăng ký tạm trú tại địa chỉ mà bạn muốn nhập về đó. Kể cả trường hợp bạn đã tạm trú tại thành phố đó nhưng không phải địa chỉ mà bạn muốn nhập về.
-Điều này còn thuận tiện cho việc cơ quan chức năng kiểm tra bạn xem bạn có thuộc trường hợp không được nhập hộ khẩu về thành phố đo hay không.
- Nếu có ai đã tạm trú ở thành phố đó rồi mà khác địa chỉ thì cũng khẩn trương làm thủ tục chuyển nơi tạm trú, vì trước sau cũng phải làm thủ tục này.
- Còn nếu địa chỉ tạm trú của bạn trùng với địa chỉ mà bạn định nhập về thì yên tâm rồi, không cần phải bận tâm đến vấn đề này.
Bước 2: hoàn thiện các giấy tờ để chứng minh chỗ ở hợp pháp, cụ thể:
• Giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của công dân là một trong các giấy tờ sau đây: ( Trường hợp này dành cho những đối tượng đã có nhà riêng, hay nói cách khác là không phải đi thuê, đi ở nhờ):
- Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở do cơ quan có thẩm quyền cấp qua các thời kỳ;
- Giấy tờ về quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai (đã có nhà ở trên đất đó);
- Giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng (đối với trường hợp phải cấp giấy phép);
- Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hoặc giấy tờ về hoá giá thanh lý nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước;
- Hợp đồng mua nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà ở, đã nhận nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng để bán;
- Giấy tờ về mua, bán, tặng, cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở có công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp xã);
- Giấy tờ về giao tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, cấp nhà ở, đất ở cho cá nhân, hộ gia đình di dân theo kế hoạch của Nhà nước hoặc các đối tượng khác;
- Giấy tờ của Toà án hoặc cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền giải quyết cho được sở hữu nhà ở đã có hiệu lực pháp luật;
- Giấy tờ có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về nhà ở, đất ở không có tranh chấp quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở nếu không có một trong các giấy tờ nêu trên; (Chú ý: khi xin xác nhận trong trường hợp này nếu địa chỉ của bạn chưa có giấy chứng nhận số nhà thì đừng thể hiện số nhà vào trong đó vì lên Công an họ lại yêu cầu xuất trình giấy chứng nhận số nhà là không ổn đâu).
-Giấy tờ chứng minh về đăng ký tàu, thuyền, phương tiện khác thuộc quyền sở hữu và địa chỉ bến gốc của phương tiện sử dụng để ở. Trường hợp không có giấy đăng ký thì cần có xác nhận của Ủy ban nhân nhân dân cấp xã về việc có tàu, thuyền, phương tiện khác sử dụng để ở thuộc quyền sở hữu hoặc xác nhận việc mua bán, tặng cho, đổi, thừa kế tàu, thuyền, phương tiện khác và địa chỉ bến gốc của phương tiện đó.
*Giấy tờ chứng minh việc cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp là các loại hợp đồng, cam kết cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà ở, nhà khác của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân (trường hợp hợp đồng, cam kết cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà của cá nhân phải có công chứng hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã);
*Giấy tờ của cơ quan, tổ chức do thủ trưởng cơ quan, tổ chức ký tên, đóng dấu chứng minh về việc được cấp, sử dụng nhà ở, chuyển nhượng nhà ở, có nhà ở tạo lập trên đất do cơ quan, tổ chức giao đất để làm nhà ở (đối với nhà ở, đất thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức) hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã là nhà ở đó không có tranh chấp về quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng.
Bước 3: Hoàn thiện các giấy tờ để đi nộp hồ sơ:
Bạn qua Công an quận, huyện xin một vài mẫu tờ khai về để khai nhé, tại đây các đồng chí Công an rất sẵn lòng hướng dẫn bạn đấy, nhưng muốn hướng dẫn thì phải mang theo tất cả các giấy tờ gốc mà mình có đi nhé.
- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;
+ Cái này phải có ý kiến đồng ý của Chủ hộ nếu như bạn nhập theo con đường là ở nhờ hoặc đi thuê nhà. Tốt nhất là mời Bác chủ hộ đó lên tận Công an ký vì nếu ký trước thì chưa chắc đồng chí Công an đã tin đấy là chữ ký của chủ hộ đâu.
+ Trên phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu này còn có xác nhận của Công an xã nơi bạn đang đăng ký thường trú nữa. Chú ý Công an phải xác nhận bạn không thuộc trường hợp đang bị quản chế hoặc cấm đi khỏi nơi cư trú nữa nhé.
- Bản khai nhân khẩu; (mỗi một thành viên phải khai một tờ đấy, cho nên nhớ xin nhiều).
- Giấy chuyển hộ khẩu; Cái này xin sau cũng được, mà phải xin ở nơi mà bạn đang đăng ký hộ khẩu. Nếu bạn chắc chắn mình đủ điều kiện để nhập hộ khẩu thì có thể làm luôn, còn nếu không cứ để từ từ đã. Đành phải chậm thêm một thời gian thôi, vì thời gian 15 ngày được tính từ khi có đầy đủ toàn bộ hồ sơ giấy tờ, trong đó có cả Giấy chuyển hộ khẩu này.
- Giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp như đã nói ở trên;
- Giấy tờ chứng mình thời hạn tạm trú ở Hà Nội trên một năm; Có thể bằng thẻ tạm trú hoặc xác nhận của công an khu vực nơi bạn đăng ký tạm trú. Trong trường hợp bạn thường xuyên thay đổi chỗ tạm trú, mà mỗi chỗ đều chưa quá một năm thì đành phải xin xác nhận của tất cả những nơi đó miễn sao thời gian cộng dồn trên một năm là được.
- Đối với trường hợp có quan hệ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, anh chị em ruột thì cần phải xuất trình thêm các giấy tờ chứng minh quan hệ đó như giấy khai sinh, đăng ký kết hôn….
- Sổ hộ khẩu của chủ hộ; trong trường hợp bạn nhận theo diện ở nhờ hoặc đi thuê nhà.
- Mang theo chứng minh thư nhân dân.
Bước 4: Đi nộp hồ sơ:
Sau hoàn đã hoàn tất các thủ tục giấy tờ như trên bạn có thể tới trụ sở của công an quận, huyện để nộp hồ sơ rồi. Cán bộ công an sẽ kiểm tra hồ sơ lần cuối và viết giấy hẹn cho bạn. Vậy là yên tâm rồi, cứ đợi đến ngày hẹn là bạn ra nhận kết quả thôi, việc còn lại là của cơ quan Nhà nước.
Suckhoecuocsong.com.vn (Tổng hợp)