Bkav có thể sản xuất hàng trăm nghìn BPhone mỗi tháng
Mẫu điện thoại đầu tiên của tập đoàn công nghệ Bkav, nhiều khả năng có tên Bphone, đang thu hút sự chú ý lớn của cộng đồng mạng.
Mẫu điện thoại đầu tiên của tập đoàn công nghệ Bkav, nhiều khả năng có tên Bphone, đang thu hút sự chú ý lớn của cộng đồng mạng. Hiện không có nhiều thông tin về sản phẩm này do máy chưa được chính thức công bố. Tuy nhiên, rất nhiều người đã đưa ra dự đoán khác nhau về thiết bị, thậm chí cho rằng Bphone cũng sẽ không khác biệt so với các điện thoại thương hiệu Việt đang tràn ngập trên thị trường.
Trước thông tin đó, ông Vũ Thanh Thắng, Phó chủ tịch Bkav đã lên tiếng giải thích những hiểu lầm này. Ông cho biết có sự khác biệt rất lớn giữa BPhone và các điện thoại thương hiệu Việt ở Việt Nam. Các công ty khác ở Việt Nam sản xuất điện thoại theo phương thức ODM (đặt hàng sản xuất) dưới 2 hình thức. Kiểu thứ nhất là đặt hàng đối tác nước ngoài làm dưới nhãn hiệu của mình, thường thì là đối tác từ Trung Quốc. Hình thức thứ hai là nhập linh kiện về và lắp ráp theo thiết kế có sẵn.
Ông Vũ Thanh Thắng, phó chủ tịch Bkav.
Còn smartphone Bkav được chính họ nghiên cứu, phát triển, sản xuất theo phương thức OEM (nhà sản xuất gốc), tương tự cách làm của Sony, Apple, Samsung… Tức là Bkav làm chủ tất cả các khâu, thiết kế kiểu dáng, thiết kế cơ khí, thiết kế điện tử, phần mềm... Điều này cho phép tạo ra được các kiểu dáng sản phẩm riêng biệt cũng như có thể thích ứng nhanh với xu thế biến đổi không ngừng của công nghệ.
Một điểm đặc biệt nữa, linh kiện Bkav sử dụng đều là linh kiện cao cấp như màn hình Sharp, chip của Qualcomm hay bộ nhớ của Toshiba… Đây cũng là những nhà cung cấp linh kiện cho Apple, Samsung... Cũng nói thêm là Bkav là nhà sản xuất đầu tiên ở Đông Nam Á ký hợp đồng trực tiếp sử dụng dòng chip cao cấp của Qualcomm.
Một điểm khác biệt nữa là phân khúc mà Bkav hướng tới là phân khúc cao cấp chứ không nhắm vào thị trường giá rẻ như các sản phẩm khác từng được đưa ra tại Việt Nam...
Ông cũng cho biết luôn quan niệm điện thoại Việt Nam là phải do Việt Nam sản xuất hết, kể cả chip, RAM… là không đúng. Một chiếc smartphone được cấu thành bởi hơn 800 linh kiện điện tử và cơ khí. Tương ứng với đó là hàng trăm các nhà cung ứng linh kiện, mà ở Việt Nam chúng ta gọi là các nhà sản xuất phụ trợ. Ví dụ, Apple có trên dưới 80 nhà cung cấp linh kiện cho iPhone (còn nếu tính cả các sản phẩm khác thì lên tới 200). Samsung có ít nhất 87 nhà cung ứng linh kiện tại Việt Nam. Bkav cũng có tới 82 nhà cung cấp phụ trợ.
Để sản xuất iPhone Apple cũng phải có hàng chục nhà cung ứng linh kiện.
Để làm ra một smartphone không nhất thiết nhà sản xuất phải tự làm tất cả các linh kiện. Không ai lại làm như vậy mà các nhà sản xuất phụ trợ sẽ cung cấp các linh kiện cho mình. Như vậy, điều quan trọng nhất là thiết kế kiểu dáng thế nào, có đẹp, hiện đại hay không, thiết kế cơ khí có chắc chắn không, có đáp ứng được cho kiểu dáng không, thiết kế điện tử có ổn định không, thiết kế phần mềm có thông minh hay không… và khâu thiết kế này, thật sự, không hề đơn giản. 800 linh kiện phải đưa vào một thiết bị bé nhỏ trong lòng bàn tay sao cho vừa đẹp, vừa mỏng, thanh thoát lại vừa đảm bảo được chất lượng, hiệu năng sử dụng liệu có phải dễ dàng? Chắc chắn là không.
Trong chuỗi giá trị sản xuất smartphone, thiết kế là phần chiếm tỷ trọng cao nhất. Một chiếc điện thoại iPhone 6 có giá 18 triệu đồng, nhưng linh kiện chỉ hết khoảng 5 triệu đồng, có nghĩa là gần 100 nhà cung cấp phụ trợ chỉ chia nhau ngần ấy. Còn Apple đóng vai trò làm chủ thiết kế, công nghệ và các khâu kinh doanh đã thu về hơn 2/3 giá trị của sản phẩm..
Ông cho biết thêm, công suất nhà máy Bkav ở Cầu Giấy, Hà Nội đáp ứng được khoảng vài chục nghìn sản phẩm mỗi tháng nhưng một hệ thống hạ tầng tại khu công nghệ cao Hoà Lạc với diện tích 2,3 ha cũng đã được chuẩn bị và trong trường hợp thị trường phản hồi tốt, công ty hoàn toàn có thể nhanh chóng nâng công suất lên vài trăm nghìn sản phẩm mỗi tháng.
Đứng trước câu hỏi “Trong khi không ít người vẫn e dè về khả năng cạnh tranh của các sản phẩm do Việt Nam tự sản xuất, điều gì khiến Bkav tự tin vào sản phẩm của mình đến vậy?”, ông Thắng tự tin rằng:
“Thứ nhất, chúng tôi có một khát khao cháy bỏng là muốn thay đổi chính sự e dè đó. Chúng tôi muốn thay đổi quan niệm rằng cứ là Việt Nam thì sản phẩm kém hay không phải là sản phẩm công nghệ cao.
Thứ hai, đến nay các bạn mới biết nhiều hơn về mảng phần cứng của Bkav, nhưng thực tế chúng tôi đã sản xuất được hơn 10 năm với lĩnh vực SmartHome - Nhà thông minh rồi.
Thứ ba, quan điểm của chúng tôi là đã làm sản phẩm nào thì đó phải là sản phẩm đẳng cấp. Ý chí của bạn quyết định rất lớn đến sản phẩm của bạn, thực tế là chúng tôi đã làm được và không chỉ một sản phẩm.”
Khi được hỏi về việc nhiều người chưa bày tỏ sự ủng hộ với smartphone Bkav vì sợ hy vọng nhiều rồi lại thất vọng, ông Thắng cho hay, thực tế ở Việt Nam sản xuất được smartphone đã khó mà lại còn "có thiết kế đẹp nhất nhì thế giới" thì chưa có tiền lệ, nên tâm lý đó là chính đáng và Bkav rất hiểu. Theo ông, thực ra người dân kỳ vọng thì có nhưng họ không dám tin, dẫn đến nghi ngại. Đó chính là lý do vì sao Bkav phải rất cẩn trọng và muốn khi đưa ra, sản phẩm phải đạt đẳng cấp.
Dự án này đã được Bkav ấp ủ và bắt đầu cách đây 4 năm, chính xác tính đến hôm nay là 1.576 ngày với hơn 200 kỹ sư tham gia phát triển và con số đầu tư lên đến hàng chục triệu USD nhưng đến thời điểm này mới công bố. Đó cũng là lý do khiến công ty thiết kế BPhone ở phân khúc cao cấp chứ không phải là ở phân khúc giá rẻ, cấp thấp.
Quang Phong - Skcs.vn