10 tuyệt phẩm điện ảnh được nâng đỡ từ LHP Berlin
điểm 10 phim trở nên nổi tiếng sau khi ra mắt từ Berlin trong lịch sử 67 năm sự kiện diễn ra.
Phim xuất sắc từ nhiều nền điện ảnh như "Vùng đất linh hồn" (Nhật Bản) hay "A Separation" (Iran) cất cánh từ liên hoan phim hàng đầu thế giới ở Đức.
Liên hoan phim Berlin lần thứ 67 (gọi tắt là Berlinale) đang diễn ra từ 9 - 19/2. Sự kiện điện ảnh hàng đầu thế giới năm nay trình chiếu 400 tác phẩm từ nhiều quốc gia. Cùng Venice và Cannes, đây là một trong ba liên hoan không chỉ phát hiện những tác phẩm xuất sắc mà còn là nơi đo "khí hậu điện ảnh" đương đại của hành tinh.
Tờ IndieWire điểm 10 phim trở nên nổi tiếng sau khi ra mắt từ Berlin trong lịch sử 67 năm sự kiện diễn ra.
Fire at Sea (2016)
Tác phẩm của đạo diễn Italy - Gianfranco Rosi - được tôn vinh bằng giải Gấu Vàng ở Liên hoan Berlin đầu năm ngoái. Xoay quanh hai nhân vật chính - một cậu bé 12 tuổi thuộc gia đình đánh cá trên đảo Lampedusa và một bác sĩ chữa bệnh cho người nhập cư, Fire At Sea phản ánh những vấn đề cấp thiết trong cuộc khủng hoảng nhập cư châu Âu.
Nhà phê bình Andrew Pulver của tờ The Guardian ca ngợi góc nhìn về bi kịch một cách gián tiếp thông qua cuộc sống người dân địa phương. Tác phẩm cũng phá bỏ ranh giới giữa phim hư cấu và tài liệu. Phim hiện tranh giải "Phim tài liệu xuất sắc" ở giải Oscar của Viện hàn lâm Mỹ.
Things to Come (2016)
Mia Hansen-Løve giành giải "Đạo diễn xuất sắc" ở Berlinale năm ngoái với Things to Come (nhan đề tiếng Pháp là L’Avenir) - kể về một phụ nữ vừa ly dị. Cách kể chuyện hài hước và nhạy cảm của nữ đạo diễn người Pháp diễn tả trọn vẹn những cung bậc cảm xúc của nhân vật chính, kẻ muốn quên đi chuyện cũ và tìm khởi đầu mới. Ngay từ lúc viết kịch bản, Hansen-Løve đã hình dung Isabelle Huppert trong vai chính và đến khi lên phim, nữ diễn viên hoàn toàn chinh phục người xem. Tờ IndieWire nhận xét màn trình diễn này của Huppert ấn tượng không thua kém vai diễn trong Elle.
Taxi (2015)
Năm 2010, Jafar Panahi bị chính phủ Iran cấm tham gia các hoạt động liên quan đến phim ảnh trong 20 năm. Sống trong cảnh bị giam lỏng, ông vẫn liên tiếp cho ra mắt các tác phẩm mới.
Taxi có phong cách điện ảnh độc đáo khi toàn bộ phim diễn ra trên một chiếc taxi. Đạo diễn Panahi đóng vai chính - một tài xế chở khách khắp Tehran và liên tục chuyện trò với họ. Qua những cuộc đối thoại, khán giả có cái nhìn gần gũi hơn về cuộc sống ở đất nước nổi tiếng khắc nghiệt này. Tác phẩm giành giải Gấu Vàng và FIPRESCI tại Berlin hai năm trước. Khi đó, phóng viên VnExpress có mặt tại Berlin đánh giá phim là bông hồng cho điện ảnh Iran.
45 Years (2015)
Bộ phim khai thác tâm lý của một cặp vợ chồng già đã gắn bó với nhau gần nửa thế kỷ. Chỉ trong sáu ngày, mối quan hệ của họ xấu dần đi với biến cố từ bức thư về người bạn gái cũ của ông chồng. Ở chặng cuối cuộc đời, những bối rối, dằn vặt của hai vợ chồng có dịp bùng phát dưới vẻ ngoài yên bình. Tom Courtenay và Charlotte Rampling lần lượt giành giải "Nam diễn viên chính xuất sắc" và "Nữ diễn viên chính xuất sắc" ở Berlinale hồi 2015. Phim có cảnh thân mật hài hước giữa cặp tình nhân trên 70 tuổi.
The Grand Budapest Hotel (2014)
Tác phẩm gây tiếng vang ngay từ Berlinale 2014 với giải Jury Grand Prix (Giải thưởng lớn của Ban giám khảo), sau đó công chiếu ở châu Âu vào tháng Ba cùng năm.
Lấy bối cảnh một đất nước hư cấu thuộc Đông Âu, đạo diễn Wes Anderson tạo ra bữa tiệc điện ảnh rực rỡ xoay quanh khách sạn cổ kính Grand Budapest. Thủ pháp lồng ghép nhiều câu chuyện khác nhau và sự thay đổi tỉ lệ khung hình liên tiếp dẫn dắt người xem qua nhiều cột mốc thời gian. Ở danh sách bình chọn mới của CineFix, phim đứng thứ ba trong Top 10 tác phẩm có lối sử dụng màu sắc xuất sắc mọi thời đại.
A Separation (2011)
A Separation là phim điện ảnh thứ năm của đạo diễn người Iran - Asghar Farhadi. Với phong cách hiện thực tài liệu, Farhadi thông qua cuộc chia ly của một cặp vợ chồng để khái quát hóa cuộc chiến tranh tư tưởng giữa các giai tầng trong xã hội Iran. Tại Berlinale 2011, phim thắng lớn với giải Gấu Vàng, "Nam diễn viên chính xuất sắc" và "Nữ diễn viên chính xuất sắc".
Sau đó, tác phẩm chu du qua nhiều liên hoan khắp hành tinh, giành được gần 60 giải thưởng điện ảnh lớn nhỏ, trong đó có tượng vàng Oscar dành cho "Phim nước ngoài xuất sắc". Năm 2016, đạo diễn Asghar Farhadi vừa tái xuất với bộ phim tâm lý mới - The Salesman. Tác phẩm đang tranh giải Oscar "Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc".
Spirited Away
Tuyệt phẩm của Hayao Miyazaki là phim hoạt hình vẽ tay xoay quanh một bé gái 10 tuổi mắc kẹt tại vùng đất của những linh hồn và phải làm việc cho một mụ phù thủy. Với cốt truyện này, tác gia người Nhật thỏa sức phát huy trí tưởng tượng và tạo ra những sinh vật kỳ lạ, nhưng vẫn phản chiếu hình bóng xã hội hiện đại.
Tại Berlinale hồi đầu thế kỷ (năm 2002), Spirited Away cùng đoạt giải Gấu Vàng với phim Bloody Sunday của Paul Greengrass. Đây là phim hoạt hình hiếm hoi nhận tượng vàng ở Berlinale rồi sau đó chiến thắng giải Oscar.
Before Sunrise
Bộ phim của Richard Linklater được ngợi khen ở liên hoan độc lập Sundance 1995 và sau đó chiến thắng giải Gấu Bạc tại liên hoan phim Berlin. Kịch bản lấy cảm hứng từ đêm đạo diễn ở cạnh một cô gái trẻ mà ông gặp trên đường từ New York đến Austin (Mỹ).
Before Sunrise có phong cách kể chuyện tối giản, lấp đầy bằng những đoạn thoại mà hai nhân vật chính chia sẻ quan điểm về tình yêu và cuộc sống. Chín năm sau đó, Linklater mới thực hiện phần tiếp theo mang tên Before Sunset. Năm 2013, ông hoàn thành phần cuối trong bộ ba đặc sắc với nhan đề là Before Midnight, cũng với hai diễn viên chính là Ethan Hawke và Julie Delpy.
The Silence of the Lambs
The Silence of the Lambs không phải lần đầu tiên nhân vật bác sĩ ăn thịt người Hannibal Lecter xuất hiện trên màn ảnh rộng. Tuy nhiên, bộ phim năm 1991 biến nhân vật này trở thành huyền thoại qua diễn xuất của tài tử Anthony Hopkins. Trong phim, Clarice Starling, một nữ học viên của trường huấn luyện đặc vụ FBI, đã phải đến xin lời khuyên của Lecter để bắt kẻ giết người hàng loạt có biệt danh là "Buffalo Bill".
Tại LHP Berlin 1991, nhà làm phim Jonathan Demme giành giải Gấu Bạc cho "Đạo diễn xuất sắc". Sau 25 năm ra mắt, tác phẩm của đạo diễn Jonathan Demme được hàng loạt viện hàn lâm xếp vào danh sách phim hay nhất mọi thời đại. Viện phim Mỹ xếp nhân vật Hannibal Lecter của Anthony Hopkins đứng đầu trong Top 100 kẻ phản diện khét tiếng nhất màn bạc.
12 Angry Men
Với số điểm 8,9, 12 Angry Men đứng thứ năm trong danh sách các phim được người dùng IMDb đánh giá cao nhất. Hồi 1957, phim giành giải Gấu Vàng ở LHP Berlin và sau đó được Viện phim Mỹ (AFI) xếp vào danh sách 100 phim vĩ đại nhất mọi thời đại.
Nội dung phim xoay quanh bồi thẩm đoàn 12 người chuẩn bị định đoạt số phận cậu bé bị cho là phạm tội giết cha. Mỗi vị bồi thẩm đại diện cho một lớp người khác nhau trong xã hội, và trong số đó chỉ một kiến trúc sư cho rằng cậu bé vô tội. Bằng lòng thương người và lý luận sắc bén, ông dần thuyết phục được những người khác thay đổi quyết định. Gần như toàn bộ phim chỉ diễn ra trong một căn phòng. Qua các đoạn hội thoại, tác phẩm phản ánh được sâu sắc nhiều vấn đề đương đại như nạn phân biệt chủng tộc, bất bình đẳng giai cấp, cũng như lỗ hổng trong hệ thống luật pháp Mỹ.
Suckhoecuocsong.com.vn (Nguồn vnexpress)