Du lịch Đồng Tháp: Ghé thăm khu du lịch văn hóa Phương Nam, Chùa Kiến An

5/4/2019 1:58:00 PM
Đến với Đồng Tháp du khách không thể bỏ qua Khu du lịch văn hóa Phương Nam, Chùa Kiến An bởi đây là hai di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng.

 

Khu Du lịch văn hoá Phương Nam là điểm du lịch địa phương của du lịch Đồng Tháp được UBND tỉnh Đồng Tháp công nhận ngày 11/4/2016. Đây là công trình được khởi công xây dựng từ ngày 30/10/2009 trên diện tích 5 hecta, tọa lạc tại xã Long Hưng A, H.Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, là một quần thể bao gồm nhiều hạng mục với giá trị 300 tỷ đồng:

+ Đền thờ Đặng tộc Nam Phương Linh Từ

+ Bảo tàng Nam bộ

+ Bảo tàng Đặng tộc

+ Và dãy trường lang (tượng trưng cho 5 châu)

+ Có 4 hồ nuôi trồng thực vật và các loài thủy sinh (tượng trưng cho 4 biển)

+ Có 63 chậu mai vàng (tượng trưng cho 63 tỉnh, thành của Việt Nam)

+ Và 54 loài hoa kiểng, cây xanh (tượng trưng cho 54 dân tộc anh em)

Trong tổng thể công trình còn có sân đỗ máy bay trực thăng, 2 bãi xe ô tô và sân hành lễ lên đến 3 ha.

Trong đó, điểm nhấn là đền thờ Nam Phương Linh Từ, một công trình được xây dựng theo kiến trúc nhà cổ – gỗ mới với phong cách nhà rường truyền thống Huế, mang đậm dấu ấn cung đình triều Nguyễn. Đền có 7 gian, 2 chái, 3 lòng với mái hạ và hàng hiên bao quanh diện tích 509 m2 với 60 cây cột (đường kính từ 0,45 m trở lên). Các hệ thống cửa, bao lam, phù điêu, hoành phi, câu đối đều sử dụng loại gỗ danh mộc, được chạm khắc rất nghệ thuật và công phu. Đặc biệt hơn, bên trong đền thờ còn có 21 tượng đồng của các vị có công thời khai mở và linh vị của 125 nhân vật có công khai phá, gìn giữ và làm rạng danh vùng đất Nam bộ, trong đó có các nhân vật tiêu biểu như: Nguyễn Hoàng, Nguyễn Ánh – Gia Long, Nguyễn Huệ – Quang Trung, Nguyễn Văn Nhơn, Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch, Mạc Cửu, Phạm Công Tắc, Huỳnh Phú Sổ,…

Tính chân thực và khách quan của lịch sử trong việc lựa chọn các nhân vật được sự cố vấn của Nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; dưới sự chủ trì của nhà báo Nguyễn Hạnh, Phó Tổng biên tập tạp chí Xưa & Nay (Cơ quan của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam), Ban Cố vấn dự án gồm các nhà khoa học và nghiên cứu về khoa học lịch sử uy tín, qua nhiều lần hội thảo, tọa đàm, phản biện.

Hàng năm, Khu Du lịch văn hóa Phương Nam tổ chức sự lễ hội theo nghi thức truyền thống vào mùng 8 – 9 tháng 3 âm lịch, trong đó mùng 8/3 giỗ hội các nhân vật lịch sử đất Phương Nam, mùng 9/3 giỗ tổ Thủy sư Đô đốc Đặng Nhân Cẩm (Thủy tổ của họ Đặng Long Hưng và Phương Nam).

Ngoài tổ chức phục vụ khách tham quan, vãng cảnh, dâng hương tưởng nhớ tiền nhân nơi đây còn có các hoạt động du lịch gồm: tái hiện hoạt động sản xuất lúa nước, liên kết với các nhà vườn lân cận phục vụ nhu cầu tham quan của du khách, tổ chức trò chơi dân gian, ẩm thực, nghỉ dưỡng và bán hàng đặc sản, quà lưu niệm.

Đây là công trình do doanh nhân Đặng Phước Thành (hiện là Chủ tịch HĐQT VINASUN CORP; đồng thời là Chủ tịch danh dự Hội Đồng Đặng tộc Việt Nam) cùng chi tộc Đặng  phát tâm công đức xây dựng để tỏ lòng tri ân, tôn vinh sự xả thân của các nhân vật lịch sử  vì muốn cho quốc thái dân an, xã tắc đời đời hưng thịnh.

Chùa Kiến An Cung

Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Kiến An Cung hay còn gọi là chùa Ông Quách được xây từ năm 1924 đến năm 1927 bởi những người Hoa từ tỉnh Phúc Kiến di cư sang đây lập nghiệp. Đây là một ngôi chùa có một vẻ đẹp trầm mặc pha lẫn nét uy thiêng.

Tương truyền trong 3 năm xây dựng chùa, có rất nhiều người thợ từ Phúc Kiến sang thi công tạo nên những đường nét, họa tiết, hoa văn, tiểu tượng rất công phu, tinh xảo mang đậm nét văn hóa kiến trúc Trung Hoa… để trở thành một công trình kiến trúc uy nghiêm, rực rỡ theo phong cách đền miếu của Trung Hoa.

Ngày 27/04/1990, Bộ VHTT đã có Quyết định xếp hạng công nhận Kiến An Cung là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đây còn là công trình mang nặng tính hữu nghị đoàn kết giữa nhân dân Việt Nam – Trung Hoa, mang đậm nét kiến trúc văn hóa độc đáo, đậm nét kỹ thuật phương Đông.

Kiến trúc chủ đạo tổng thể của chùa gồm ba gian: Đông lang, Tây lang và khu chính điện. Mái ngói gồm 3 lớp, mặt trên ngói, giữa gạch, dưới là ngói…3 năm trời đằng đẳng ấy, những người thợ từ Phúc Kiến sang đã cùng với những người thợ trong xây của Sa Đéc miệt mài lao động, tạo nên những đường nét, họa tiết, hoa văn, tiểu tượng… để trở thành một công trình kiến trúc uy nghiêm, rực rỡ theo phong cách đền miếu của Trung Hoa.

Nét độc đáo của ngồi chùa là hàng rào xây bằng xi măng nhưng được chế tác như những cọc tre xanh dân dã. Cổng chính được trang trí bằng 2 con kỳ lân bằng đá quý khá lớn và dũng mãnh nhưng vẫn giữ được nét tâm linh Toàn bộ ngôi chùa được thiết kế không có kèo mà chỉ có đòn tay ráp mộng, chịu lực trên những cột gỗ tròn có đường kính 30cm. Mặt tiền của chùa được thiết kế hài hòa với 3 gian chính, mái ngói âm dương được lợp theo kiểu rợn sóng rồng trải nền cho 6 ngọn sóng cong vút lên cao mà 6 đầu ngọn sóng ấy là 6 cung điện nguy nga, tráng lệ được thu nhỏ, biểu trưng cho tinh thần vượt khó và thành đạt.

Bên trong chánh điện là một khoảng sân lộ thiên, vừa để làm nơi tế lễ, vừa để lấy khí trời và là lối thoát cho khói hương. Những hàng cột lớn, đen bóng đồ sộ; hoành phi, câu đối, bao lam, thành vọng, liễn, chấn… tất cả được chạm trổ tinh vi, sơn son thếp vàng rực rỡ. Ngay giữa chánh điện là bàn thờ Ông Quách (tức Quảng Trạch Tôn Vương), bên tả là Thanh Thuỷ Tổ Sư (nguyên là thầy thuốc chữa bệnh cho dân); bên hữu là Bảo Sanh Đại Đế (có nhiệm vụ bảo vệ sanh mạng của người trung nghĩa)…. Phía trước bàn thờ có tượng quan Thánh Đế Quân, có sắp hai hàng binh khí sáng ngời; cạnh bên có Đông lang và Tây lang để làm nơi tiếp khách khi đến cúng bái, trên vách tường có vẻ những bức tranh theo lối thủy mạc, nét vẽ rất uyển chuyển, sống động, những hình thập điện phong thần, những truyện xưa tích cũ mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc.

Hàng năm, chùa có hai lễ tế lớn vào ngày 22/02 (Âm lịch) là ngày sinh của ông Quách và ngày 22/08 (Âm lịch) là ngày ông thành đạo; chùa có thiết lễ cúng tế rất trang nghiêm, đông đảo người đến dự và cầu nguyện. Đáo lệ 03 năm thì lập trai đàn, cầu siêu cho bá tánh; cầu quốc thái dân an, mưa thuận, gió hòa. Từ khi xây dựng đến nay, chùa đã được trùng tu ba lần nhưng vẫn nằm tại vị trí cũ. Mỗi năm chùa có hai lễ hội lớn vào ngày 22/02 (Âm lịch) và 22/08 (Âm lịch) đón tiếp nhiều khách thập phương.

Kiến An Cung đã và đang được nhiều du khác đến tham quan, tìm hiểu mỗi khi đến với vùng đất Sa Đéc hiền hòa.

Suckhoecuocsong.vn

Các tin liên quan

Các tin khác