Những giống lợn bản địa tại Việt Nam: Nguồn gen vật nuôi quý hiếm cần bảo tồn

2/22/2019 10:07:50 AM
Xu hướng phát triển giống lợn lai do giá trị kinh tế cao hơn đã khiến các giống lợn bản địa của Việt Nam có nguy cơ mất dần. Một số giống lợn đã được đưa vào danh mục “Nguồn gen vật nuôi quý hiếm cần bảo tồn của Việt Nam” như: lợn ỉ, lợn mán, lợn Táp Ná, lợn Vân Pa, lợn Móng Cái

 

Xu hướng phát triển giống lợn lai do giá trị kinh tế cao hơn đã khiến các giống lợn bản địa của Việt Nam có nguy cơ mất dần. Một số giống lợn đã được đưa vào danh mục “Nguồn gen vật nuôi quý hiếm cần bảo tồn của Việt Nam” như: lợn ỉ, lợn mán, lợn Táp Ná, lợn Vân Pa, lợn Móng Cái

Lợn ỉ

Đây là một giống lợn địa phương ở miền Bắc Việt Nam, hiện ít được nuôi do hiệu quả kinh tế không cao và đang có nguy cơ tuyệt chủng. Giống lợn ỉ mỡ hay còn gọi là lợn ỉ nhăn, có thịt ít mỡ nhiều (tỉ lệ nạc chỉ đạt 36% trong khi mỡ chiếm đến 54%). Nuôi lợn ỉ cả năm cũng chỉ đạt 40–50 kg, trong khi giống lợn thịt nuôi sáu tháng đã đạt 70 – 80 kg.

 Lợn Móng Cái

Giống lợn Móng Cái có nguồn gốc ở huyện Đầm Hà, Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, sau đó được nuôi nhiều ở Móng Cái và phổ biến ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ rồi lan ra miền Trung và phía Nam.

Lợn Móng Cái đặc tính di truyền ổn định, màu lông đồng nhất, đầu đen, giữa trán có một điểm trắng hình tam giác kéo dài, có cổ khoang chia thân lợn ra làm hai phần. Nửa trước màu đen kéo dài đến mắt, nửa sau màu trắng kéo dài đến vai làm thành một vành trắng kéo dài đến bụng và bốn chân. Lưng và mông màu đen, mảng đen ở hông kéo dài xuống nửa bụng bịt kín mông và hông có hình yên ngựa. Đầu lợn to, miệng nhỏ dài, tai nhỏ và nhọn, có nếp nhăn to và ngắn ở miệng. Cổ to và ngắn, ngực nở và sâu, lưng dài và hơi võng, bụng hơi xệ, mông rộng và xuôi. Bốn chân tương đối cao thẳng, móng xoè.

Lợn đực giống Móng Cái 3 tháng tuổi đã biết nhảy cái và trong tinh dịch đã có tinh trùng, lượng tinh dịch 80-100 ml. Lợn cái 3 tháng tuổi đã bắt đầu động hớn nhưng chưa có khả năng thụ thai. Thường thì lợn cái đến khoảng 7- 8 tháng tuổi trở đi mới có đủ điều kiện tốt nhất cho phối giống và mang thai, thời điểm đó lợn đã đạt khối lượng khoảng 40 - 50 kg hoặc lớn hơn.

Lợn Móng Cái có ba loại: xương to, xương nhỡ và xương nhỏ. Những con xương càng nhỏ thì thịt càng thơm ngon. Thịt thơm ngon, dễ nuôi, đẻ mắn, đẻ sai, thân thiện với con người, chịu được kham khổ, chống đỡ bệnh tật tốt là những đặc điểm của lợn Móng Cái. Lợn trưởng thành nặng từ 140-170 kg/con. Có con tới 200 kg nhưng thời gian nuôi rất lâu. Tỷ lệ mỡ/thịt xẻ 35-38%.

Lợn Táp Ná

Đây là giống lợn bản địa của Việt Nam, được nuôi chủ yếu ở huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng, chúng nguồn gene vật nuôi bản địa quý. Người dân nuôi lợn ở vùng núi huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng chỉ giao dịch mua bán lợn tại chợ Táp Ná. Do đó, giống lợn nội Việt Nam này dần dần được người dân đặt tên là giống lợn Táp Ná.

Ngoại hình của giống lợn Táp Ná có nhiều nét tương tự như giống lợn Móng Cái nhưng có sự khác biệt rõ rệt. Lợn Táp Ná có màu sắc lông da rất đặc trưng là lông và da đều đen, ngoại trừ 6 điểm trắng giữa trán, 4 cẳng chân và chóp đuôi, đặc biệt bụng của lợn Táp Ná có màu đen và không có dải yên ngựa màu trắng bắt qua vai như giống lợn, lợn Táp Ná có những điểm ngoại hình khác với các giống lợn nội khác khá rõ nét: Đầu to vừa phải; Tai hơi rủ cúp xuống; Bụng không bị sệ và võng xuống đó là nét đặc trưng cho giống lợn này; Chân to, cao và chắc khoẻ như giống lợn Mẹo ở Nghệ An; Lưng tương đối thẳng; Mặt thẳng, mặt không nhăn nheo như lợn ỉ. Lợn cái Táp Ná thường có từ 8 đến 12 vú, nhưng phổ biến nhất là 10 vú. Tuy tốc độ lớn chậm, nhưng thịt có mùi vị thơm ngon. Lợn rất dễ nuôi vì chúng phàm ăn, ăn khoẻ, ăn bất cứ loại thức ăn nào kể cả loại thức ăn mà hầu như không có chất dinh dưỡng. Chúng có khả năng chống chịu bệnh tật rất tốt.

Giống lợn Táp Ná vẫn giữ được mức độ cao về thuần chủng, chưa bị lai tạp nhiều với các giống lợn nội và ngoại khác, song bị cận huyết khá cao.

Lợn đen Lũng Pù

Đây là giống lợn bản địa ở Mèo Vạc, được nuôi tại 4 huyện của tỉnh Hà Giang.

Lợn đen Lũng Pù, tên này được đặt theo tên xã Lũng Pù (Mèo Vạc, Hà Giang) là giống lợn quý, có tầm vóc to lớn. Nuôi chỉ bằng bột ngô, lá, rau rừng băm nhỏ, trong khoảng 1 năm đã đạt trọng lượng 90 - 100 kg. Lợn có màu lông đen, dày và ngắn, da thô, tai nhỏ cúp, mõm dài vừa phải, lưng không võng và bụng không xệ như Móng Cái… Giống lợn này có hai loại: Một loại 4 chân trắng và có đốm trắng ở trán và mõm, loại kia đen tuyền. Đây là giống lợn chất lượng tốt nhất so với các giống lợn địa phương khác của Hà Giang. Đặc trưng nhất về ngoại hình của chúng là chòm lông trắng ở trán của giống lợn Lũng Pù dài tạo thành một xoáy ngược lên đỉnh đầu.

Do được thuần hoá lâu đời lợn đen Lũng Pù có đặc tính quý như thích nghi tốt với điều kiện khí hậu khắc nghiệt của vùng núi cao, lạnh tới 4-5 độ, dễ nuôi, phàm ăn và có sức đề kháng cao. So với các giống lợn Việt Nam, lợn đen Lũng Pù có tốc độ tăng trọng khá cao, thịt lại thơm ngon.

Tỷ lệ móc hàm trung bình là 78,33%, tỷ lệ thịt xẻ trung bình là 66,02%. Dày mỡ lưng trung bình 15,84mm, tỷ lệ thịt nạc tương đương với các giống lợn nội Việt Nam, trung bình là 37,77%, tỷ lệ mỡ trung bình là 38,81%. Diện tích cơ thăn trung bình là 23,95cm2, tỷ lệ xương là 12,8%. Tỷ lệ protein thô giữa thịt thăn của giống lợn Lũng Pù nuôi tại Hà Giang không khác so với thịt mông (20%). Tỷ lệ protein thô của thịt thăn lợn đen Lũng Pù, đạt 20,48%, thấp hơn so với lợn ngoại nuôi tại Hà Giang, đạt 21,55%. Tỷ lệ lipid thô đạt khá cao, thịt thăn đạt 2,57% và thịt mông đạt 2,17%. Tương tự, tỷ lệ tro thô đối với thịt thăn đạt 1,14% và thịt mông đạt 1,14%.

Lợn mán

Lợn mán hay còn gọi là lợn mọi, hoặc lợn đốm là giống lợn nhỏ được lai giữa lợn nhà và lợn rừng xuất phát từ miền Trung Việt Nam.

Đặc trưng của lợn mán là da dày, đen, nhiều nạc, lớp mỡ mỏng, thường có ba sợi lông mọc chụm ở một chỗ, lợn mán nuôi cả năm mới được một lứa. Chúng được nuôi thả, thường chỉ nặng trên dưới 10 kg, lưng cong, bụng ỏng, thịt săn chắc, thân hình rất bé, nếu nuôi thời gian lâu dài chúng cũng chỉ bằng một chú chó con. Mặc dù nhỏ con nhưng chất lượng thịt lợn mán thơm ngon, săn chắc. Thịt lợn mường thơm, mềm, ít mỡ, bì dày, ăn không ngấy. Điểm khác dễ phân biệt là trọng lượng lợn mán nhỏ, chỉ từ 10 – 15 kg/con, lợn càng nhỏ, thịt càng chắc càng thơm ngon. Lợn mán càng nhỏ thì càng thơm thịt, lợn chỉ khoảng 10–15 kg là ngon nhất.

Lợn mán vốn thông minh, lại sạch sẽ hơn các loại lợn khác. Nếu được huấn luyện thì chúng cũng có thể làm được nhiều trò giống như một chú chó thực thụ.

Lợn Vân Pa

Đây là giống lợn bản địa của người Pa Cô-Vân Kiều ở huyện Hướng Hoá và Đakrông, tỉnh Quảng Trị.

Chúng có màu lông da đen bạc, hay đen tuyền, thỉnh thoảng có màu phớt vàng hung. Một số con có phớt nhẹ màu ánh vàng, lông gáy phát triển mạnh, lưng thẳng, thân hình gọn, đầu và cổ to, mõm nhọn, tai nhỏ, dựng đứng, hình dáng giống con chuột, lợn đen mốc, đen sọc dưa, thân dài ngoằng ngoẵng, mõm nhọn, bụng thóp lại, chân săn chắc, nhanh nhẹn, mõm hếch.

Lợn Vân Pa có nhiều tập tính của động vật hoang dã như tính bầy đàn, có khả năng tự kiếm ăn cao, chịu được kham khổ, khả năng kháng bệnh tốt. Chúng sống trong môi trường khí hậu rất khắc nghiệt, mùa hè nhiệt độ cao, độ ẩm rất thấp, có những vùng lên đến 40 - 41 độ C, mùa đông nhiệt độ xuống thấp và có độ ẩm rất cao.

Lợn trưởng thành chỉ đạt 30 – 35 kg. Thịt lợn Vân Pa gần như không có mỡ, da dày, thơm ngon sánh ngang với thịt lợn rừng. Tuy nhiên, khả năng tăng trọng của nó không cao chỉ 3 – 4 kg/1 tháng,

Lợn Vân Pa là loài ăn tạp và tham ăn, thức ăn chủ yếu là thức ăn xanh tươi như: cỏ, cây, các loại chuối…, các loại củ, quả, mầm cây, rễ cây, lá cây các loại. Được nuôi theo cách thả rông, chúng tự tìm lấy thức ăn, nước uống, tự tìm muối khoáng trong đất như tro, đất sét. Bản năng hoang dã nên chúng hết sức cảnh giác và luôn hoảng hốt bỏ chạy khi nghe có tiếng động.

Mỗi năm lợn Vân Pa sinh sản 1,7 lứa - 2 lứa, mỗi lứa từ 6 - 10 con. Lợn nái khi đến giai đoạn sinh thường tách đàn, tự kiếm một góc khuất, ít gây chú ý để làm ổ đẻ, lợn mẹ sẽ tha rơm, rác, cành lá khô về để làm ổtrước khi sinh, tự nuôi dưỡng và chăm sóc con rất khéo. Bản năng làm mẹ và bảo vệ của loài này rất cao, chúng sẵn sàng tấn công những ai tới gần ổ đẻ hoặc khi nhận thấy ổ đẻ đã bị lộ thì chúng thường cắp con đi nơi khác để trốn

Lợn Vân Pa đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng và là một trong 21 nguồn gen trong cả nước được  nghiên cứu để bảo tồn.

Lợn Mường Khương

Lợn Mường Khương có từ lâu đời, được nuôi ở nhiều vùng thuộc tỉnh Lào Cai, nhiều nhất là ở huyện Mường Khương. Giống lợn đen Mường Khương là giống lợn quý hiếm với ưu điểm thích ứng tốt trong điều kiện tự nhiên, chịu rét giỏi.

Đặc điểm nhận dạng: Màu lông da đen tuyền hoặc đen có đốm trắng ở đầu đuôi và ở chân, lông thưa và mềm. Đa số lợn có mõm dài thẳng hoặc hơi cong, trán nhăn, tai to hơi cúp rũ về phía trước. Lợn có tầm vóc to, nhưng lép người, bốn chân to cao vững chắc. Lưng không thẳng nhưng cũng không võng lắm, bụng to nhưng không sệ tới sát đất, mông hơi dốc.

Tốc độ sinh trưởng chậm, khối lượng sơ sinh khá cao (0,6 kg). Sau 12 tháng tuổi, lợn vẫn còn phát triển và khối lượng trung bình trên 90 kg, có những con dạt tới 121,5 kg ở 18 tháng tuổi, chất lượng thịt thơm ngon.

Lợn Đê

Lợn Đê hoặc lợn sóc là một loại lợn của người Êđê, M'nông. Lợn Đê thân hình nhỏ, lưng cong, bụng ỏng, lông dày, da màu mun đốm. Con cái khi nuôi con, bụng sệ xuống, các núm vú kéo là là trên đất.

Lợn Đê được nuôi theo cách thả rông chung quanh ngôi nhà sàn của người dân, sống quần tụ cùng các loài gia cầm, gia súc khác. Thức ăn của lợn là các loại thảo mộc ăn được. Chúng kiếm ăn theo kiểu hoang dã, gặp gì ăn được là ăn. Thịt lợn Đê thơm ngon như lợn rừng.

Lợn Khùa

Đây là giống lợn bản địa ở miền núi Quảng Bình, do người dân tộc Khùa nuôi theo phương thức thả rông tự kiếm ăn, có năng chống chọi với bệnh tật, điều kiện thời tiết.

Lợn Khùa có thể có màu lông đen toàn thân, lông da đen với các điểm trắng ở 4 chân hoặc có lông da đen và loang trắng trên thân. Mõm dài, khỏe, lưng khá thẳng. Thức ăn chủ yếu của chúng là rau khoai, cây chuối rừng, sắn. Tỷ lệ sinh rất thấp, chỉ 6,5 con/ổ. Giống lợn Khùa có thịt thơm ngon, tỷ lệ nạc cao, thịt mỡ ăn giòn. Tỷ lệ móc hàm 71-74%, tỉ lệ nạc gần 42-43%. Tuy nhiên, lợn chậm lớn, trọng lượng tối đa đạt 35–40 kg.

 Nguồn gen quý hiếm này đang có nguy cơ mất dần do người dân ít chăn nuôi giống lợn này do lợn chậm lớn, đẻ ít.

Suckhoecuocsong.com.vn/Theo Tạp chí thử nghiệm ngày nay

Các tin khác