Được và mất sau V-League 2015

9/22/2015 11:03:57 AM
Một mùa giải V-League 2015 đã kết thúc với nhà vô địch thuộc về CLB B. Bình Dương. Qua 9 tháng thi đấu ròng rã, nhiều niềm vui  đã đạt được và cả những nỗi buồn về công tác tổ chức, bạo lực sân cỏ…khiến chúng ta không khỏi suy ngẫm.  

 

 

Thời gian thi đấu kéo dài

 

Đối với giải đấu chuyên nghiệp của các châu lục, thời gian để các cầu thủ nghỉ ngơi chỉ kéo dài nhiều nhất là 1 tháng với các thời điểm khác nhau. Tuy nhiên, tại sân chơi V-League, các cầu thủ được nghỉ liên tục có thời điểm kéo dài đến gần hai tháng chỉ để tập trung các đội tuyển quốc gia. Điều này đã  kéo dài thời gian thi đấu của V-League lên đến 9 tháng và gây khó khăn về kinh phí cho các CLB.

 

Chất lượng chuyên môn không có nhiều điểm nhấn

 

Rất nhiều chuyên gia bóng đá chỉ ra rằng V-League có nhất thiết phải quy tụ 14 đội bóng cho đầy lượng mà thiếu chất. Thẳng thắn mà nói, khi nhìn vào B. Bình Dương đăng quang vô địch thì có thể thấy rõ, CLB này sẵn sàng bỏ ra hàng đống tiền để mua cầu thủ giỏi của các đối thủ khác mà bỏ qua việc đào tạo thế hệ trẻ và bản sắc địa phương. Điều này cho thấy, tư duy “ăn xổi” chứ không cần đến một triết lý nào.

 

 

Chủ nhân chiếc cúp V-League 2015 thuộc về B.Bình Dương.

 

Ngoài Thanh Hóa có hai lần suýt soán ngôi đầu của B. Bình Dương thì rốt cuộc cũng phải chào thua vì thực lực không thể là nhà vô địch. Tuy nhiên, đối với Hà Nội T&T, một đội bóng được đào tạo cơ bản thì có phần đáng tiếc. Trong khi đó, suất rớt hạng chỉ dành cho một đội cuối bảng nên chắc chắn tính cạnh tranh không cao. Đồng Nai sau các vòng đấu nằm cuối bảng nhiều nhất và ở hai trận chung kết ngược đều thua Cần Thơ và HA Gia Lai nên rớt hạng không phải là chuyện lạ.

 

Nâng đỡ để trụ hạng và bạo lực sân cỏ

 

Nhìn lại chặng đường 14 năm của V-League, hiện tượng các CLB nâng đỡ nhau để trụ hạng vẫn diễn ra. Để biện minh cho tư duy này, trường đoàn một CLB đã phát biểu vì thương người nên không đá hết sức mình… Càng lộ liễu, gây bất bình hơn khi ở một vài trận đấu, nhiều CLB đã đưa đội hình hai ra chơi và gặp phải phản ứng dữ dội của khán giả nhà. Trước các động thái trên, VPF cũng tảng lờ và coi đây là chuyện bình thường.

 

 

Trước khi kết thúc V-League, một điểm nhấn đáng buồn khác là bạo lực sân cỏ. Câu chuyện về Quế Ngọc Hải đốn gãy chân Anh Khoa đã tốn không ít giấy mực của các phương tiện thông tin truyền thông và khiến dư luận dậy sóng. Tương tự, trên các trang mạng của nước ngoài cũng gọi hành động của Ngọc Hải là “rùng rợn” và không thể chấp nhận. Vì vậy, mặc dù V-League mùa giải 2015 đã khép lại nhưng dư âm về những cái được và mất của mùa giải vẫn là những điểm nhấn và câu hỏi để ngỏ để VFF suy ngẫm.

 

Hải Yến - Suckhoecuocsong.com.vn

Các tin khác